"Quản lý đô thị ngày càng yếu kém"
Đó cũng là ý kiến của Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – một trong những chuyên gia hàng đầu về kiến trúc đô thị ở nước ta – khi ông nhân xét về việc Bộ Xây dựng vừa ban hành thêm Thông tư 02 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Nhiều ý kiến khác, của cả giới chuyên gia lẫn dư luận và truyền thông, cũng khẳng định rằng Bộ Xây dựng – cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu về quản lý trật tự xây dựng – với việc "đẻ” ra Thông tư 02, đã "dội gáo nước lạnh” vào chính những nỗ lực lập lại trật tự kỷ cương và quản lý đô thị của chính mình. Ấy là chưa kể sự nghi ngờ chính đáng của dư luận về việc dùng tiền mua sai phạm này, ai dám chắc không làm phát sinh hàng tá hệ lụy cũng như những tiêu cực có thời cơ được chăm bẵm thêm?
Từ trước đến nay, những sai phạm "muôn hình vạn trạng” trong xây dựng đô thị, đã liên tiếp xảy ra với không chỉ riêng lẻ nhà dân mà còn có cả của cơ quan nhà nước. Điều này càng trầm trọng ở những đô thị đất chật người đông. Nhưng rõ ràng việc kiểm tra, kiểm soát, dù đã rất nỗ lực cố gắng cũng mới chỉ hạn chế được phần nào. Mà sự hạn chế được đó, chính là do những quy định, chế tài nghiêm túc, nghiêm minh kiểu "quân pháp bất vị thân” của ngành chức trách.
Thế nhưng, "người trong cuộc” của ngành xây dựng lại đưa ra lý lẽ đại loại rằng bấy lâu nay, việc xử lý các công trình sai phạm này rất khó khăn, thậm chí gây ra lãng phí. Quy định trước đây những công trình xây dựng sai phạm đều phải bị cưỡng chế, tháo dỡ. Nhưng thực tế số công trình vi phạm xử lý theo quy định này là không được nhiều. Trong khi để xử lý một công trình vi phạm lại rất mất thời gian, mất tiền như việc lập các tổ ban ngành, các lực lượng tham gia xử lý, thuê đơn vị tư vấn, đơn vị tháo dỡ…. Và vì thế, nay đề xuất phạt tiền để cho tồn tại. Điều này lại khiến dư luận thêm một phen "vỡ bụng cười” về cách biện minh cho những bất cập cũng như sự "bó tay khó hiểu” về cung cách quản lý nhà nước của ngành chức năng.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn nói: "Hiện nay hành lang pháp lý về quản lý xây dựng, quy hoạch đã khá đồng bộ. Không thể lấy lý do nhỏ để biện bạch cho hậu quả lớn”. Cũng theo ông Nghiêm cho hay, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị là kết quả nghiên cứu rất công phu và khoa học nhưng có nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi kiểu quản lý "cứ có tiền là xong”. Chúng ta phải đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội lên trên. Sự yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng hiện nay đang hết sức nhức nhối và trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng …
Và việc "mua sai phạm” như đề xuất của Bộ Xây dựng ở Thông tư 02, chắc chắn sẽ khiến cho bộ mặt đô thị thêm nham nhở, ngổn ngang. Vì quy định như vậy sẽ "đẻ” thêm nhà siêu mỏng, siêu méo và hệ lụy của nó không chỉ dừng lại ở việc khoét sâu thêm những "khuyết tật” đô thị. Đồng thời, cũng là hình thức "thả gà ra đuổi” trong những cố gắng tạo lập diện mạo đô thị khang trang, có tầm nhìn mà chúng ta đã và đang thực hiện trong những năm qua. Mặt khác, nếu chấp nhận sự đã rồi này cũng sẽ là minh chứng cho việc coi thường kỷ cương phép nước của người dân và cả những người thực thi công vụ trong lĩnh vực xây dựng. Thông tư 02 không chỉ là bước thụt lùi về quản lý trật tự xây dựng đô thị mà còn có thể coi như sự "bất lực”, "thoả hiệp” và "đồng lõa” với vi phạm trong lĩnh vực xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước.
Một lần nữa, vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái pháp luật, không thể đi vào cuộc sống lại được đề cập và chứng minh!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet