Quận Hà Đông (Hà Nội): Phố “mọc” trên đất ruộng
Thời gian gần đây, hàng ngàn người dân sống tại phường Phú Lương, quận Hà Đông - Hà Nội luôn nơm nớp lo sợ không biết nhà họ đang ở có thuộc diện giải tỏa hay không. Chính quyền địa phương bất lực hay tiếp tay cho gần 2.000 căn nhà mọc trên đất nông nghiệp, khi rất nhiều trong số đó được cấp sổ đỏ?
Hàng ngàn căn nhà phố như thế này đã mọc trên đất nông nghiệp ở phường Phú Lương, quận Hà Đông - Hà Nội |
Trong khi đó, hàng chục hộ gia đình vừa bị UBND quận Hà Đông cưỡng chế tháo dỡ nhà mà không được báo trước.
TP nói một đằng, quận làm một nẻo
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND quận Hà Đông, phường Phú Lương có tới 1.784 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp với diện tích trên 113.000m2. UBND quận lý giải những sai phạm này có từ khi xã Phú Lương còn trực thuộc huyện Thanh Oai - Hà Nội. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi sáp nhập quận Hà Đông, tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp ở đây vẫn không giảm. Không ít hộ vẫn có sổ đỏ và được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng những ngôi nhà kiên cố, cao tầng.Trước khiếu kiện của người dân, UBND TP Hà Nội đã quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành và yêu cầu UBND quận Hà Đông đối thoại với dân để làm rõ sự việc; đồng thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo lãnh đạo TP tìm hướng giải quyết, tháo gỡ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, UBND quận Hà Đông đã cử lực lượng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ nhà của người dân phường Phú Lương. Hàng trăm người dân bỗng chốc vô gia cư và phải sống tạm bợ nhiều nơi.
Ông Lê Đức Vũ, ngụ tổ 11 - phường Phú Lương, cho biết dù không nhận được quyết định cưỡng chế nhưng căn nhà của ông vẫn bị san phẳng. “Căn nhà này gia đình tôi mua có sổ đỏ đàng hoàng do UBND huyện Thanh Oai cấp, việc chuyển nhượng cũng đã được chủ tịch UBND xã Phú Lương xác nhận, đóng dấu. UBND quận Hà Đông không tống đạt quyết định cưỡng chế nên tôi không rõ lý do nhà mình bị giải tỏa” - ông Vũ băn khoăn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phường Phú Lương có 26/58 hộ gia đình bị tháo dỡ nhà nhưng không biết quyết định cưỡng chế, trong khi nhiều hộ nhận được quyết định nhưng tới nay vẫn chưa bị cưỡng chế.
Trục lợi cá nhân
Hàng ngàn người dân ở Phú Lương lo ngại nếu TP Hà Nội chủ trương cưỡng chế tất cả nhà cửa vi phạm xây trên đất nông nghiệp thì gần 2.000 căn sẽ trở thành đống đổ nát. Mặt khác, nếu TP xem xét lại quy hoạch và cho tồn tại thì liệu UBND quận Hà Đông có đền bù cho 58 hộ đã bị tháo dỡ nhà?Theo Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội, những sai phạm về quản lý đất đai xảy ra tại quận Hà Đông xuất phát từ việc chính quyền huyện Thanh Oai làm sai, trục lợi cá nhân. Về rất nhiều trường hợp được cấp sổ đỏ trên đất nông nghiệp sau khi một số xã của huyện Thanh Oai sáp nhập quận Hà Đông, ông Lê Thanh Nam, Trưởng Phòng Đăng ký thống kê Sở TN-MT TP Hà Nội, cho rằng thiếu sót này có thể xuất phát từ việc chia tách thửa đất và không rà soát kỹ của cán bộ địa chính.
Mới đây, Sở TN-MT TP Hà Nội đã đề xuất các trường hợp thửa đất đã được cấp sổ đỏ nhưng hiện trạng vẫn là đất nông nghiệp, vẫn đang canh tác lúa, hoa màu thì tiến hành phân loại và thu hồi ngay; với đất đã xây nhà, UBND quận Hà Đông tổng hợp, phân loại, báo cáo UBND TP để có hướng xử lý.
Sai phạm nghiêm trọng
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng và UBND TP Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm, sai phạm của lãnh đạo địa phương.Theo luật sư Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe - Hà Nội, người dân mua bán nhà đất hoàn toàn không biết được những sai phạm trong quá trình cấp sổ đỏ. “Ngoài việc làm rõ những khuất tất trong quá trình cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng, chính quyền TP cần phải bồi thường cho các hộ dân có sổ đỏ bị tháo dỡ nhà” - luật sư Minh nhìn nhận.
(Theo NLĐ)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet