Quận 7 (Tp.HCM): Xóa dự án, vẫn treo quyền lợi của dân
Kể từ năm 2007, quy hoạch dự án bến sông Rạch Ông Lớn, P.Tân Hưng, Q.7 (Tp.HCM) đã được UBND TP hủy bỏ, nhưng người dân ở đây vẫn phải sống trong tình trạng quy hoạch treo, không được đầu tư đường ống cấp nước và cấp giấy chủ quyền nhà đất.
Quy hoạch treo đã được xóa nhưng hàng trăm hộ dân ở khu phố 5, P.Tân Hưng, Q.7 (Tp.HCM) vẫn chưa được hợp thức hóa nhà đất - Ảnh: Q.Khải |
Tháng 11/2002, UBND TP có quyết định thu hồi hơn 15,5ha đất tại KP5, P.Tân Hưng, Q.7 và cho Cảng sông TP thuê lại hơn 14,2ha để xây dựng bến sông Rạch Ông Lớn. Dự án kéo dài trong nhiều năm liền vẫn chưa triển khai, nên năm 2007 UBND TP ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất nói trên.
Không nước, không chủ quyền nhà
Ông Nguyễn Anh Kiệt, ngụ 1041/62/128 Trần Xuân Soạn (P.Tân Hưng, Q.7), cho biết khi nghe quy hoạch dự án trên đã được xóa, ông liền liên lạc với Công ty Cấp nước Nhà Bè xin gắn đồng hồ nước nhưng phía công ty trả lời chưa được do nhà ông nằm trong khu vực quy hoạch. Năm 2009, ông Kiệt bỏ ra hơn 20 triệu đồng để khoan giếng nhưng nước nhiễm phèn không xài được. Hiện mỗi ngày ông Kiệt phải chạy xe máy đến khu vực cách nhà khá xa mua từng thùng nước sạch dùng cho gia đình với giá 1.000 đồng/thùng 30 lít.Năm 2011, ông Kiệt lại liên hệ với Công ty Cấp nước Nhà Bè nhưng vẫn được trả lời như trước đó: “Khu vực vẫn còn đang trong giai đoạn quy hoạch nên chưa thể phát triển đường ống cấp nước được”. Bà Thái Ngọc Huệ, ngụ 562/15 Trần Xuân Soạn, kể ngày nào cũng đi xa mua nước sạch quá mệt mỏi nên phải đổi nước của các hộ dân xung quanh với giá 22.000 đồng/m3. Còn những hộ ở xa hơn phải đổi nước qua xe bồn với giá đến 100.000 đồng/m3, gấp khoảng 20 lần giá quy định.
Không chỉ thiếu nước sạch, nhiều năm qua người dân ở đây cũng không được cấp giấy chủ quyền nhà, đất. Theo các hộ dân, năm 2007 sau khi có quyết định của UBND TP hủy bỏ dự án xây dựng bến sông Rạch Ông Lớn, người dân đã làm thủ tục hợp thức hóa nhà, đất. Theo thông báo của cơ quan chức năng quận, có hơn 300 trường hợp đủ điều kiện hợp thức hóa nhà, đất trong tổng số khoảng 1.000 hộ dân tại đây. Thế nhưng đến nay chỉ khoảng vài chục trường hợp được cấp giấy chủ quyền. Những trường hợp còn lại chưa được cấp giấy chủ quyền nhà đất mà không biết lý do vì sao.
Đến cuối năm 2011, người dân được UBND P.Tân Hưng mời họp với một công ty kinh doanh địa ốc và đại diện công ty này cho biết đang tìm hiểu, làm dự án nhà ở tại đây.
Quận nói được, thực tế không
Theo một cán bộ Phòng Quản lý đô thị Q.7, hiện chưa có dự án mới nào được phê duyệt tại khu vực trên mà chỉ có một công ty kinh doanh địa ốc đã được TP chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án, đang trong giai đoạn thống kê lại số hộ dân để lập phương án và chưa có quyết định thu hồi đất. Vị này nói về nguyên tắc khi chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân đủ điều kiện vẫn được cấp giấy chủ quyền nhà đất, gắn đồng hồ nước bình thường và vấn đề này quận đã thông báo trong các cuộc họp liên quan.Còn theo Phòng Tài nguyên - môi trường Q.7, dù quận có thông báo khoảng 300 hộ dân đủ điều kiện hợp thức hóa nhà, đất nhưng đó là xét trên giấy tờ. Thực tế trường hợp nào được cấp giấy chủ quyền nhà, đất còn phải căn cứ theo quy hoạch, xem có phù hợp hay không. Do vậy các trường hợp đủ điều kiện quận đã cấp giấy, riêng những trường hợp không đủ điều kiện quận đã trả lời và gửi lại hồ sơ cho dân.
Thực tế có những trường hợp người dân đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền nhà đất nhiều năm qua đến nay vẫn chưa được cấp giấy và cũng chưa được trả hồ sơ lại. Bà Mã Thị Lăng, ngụ 598bis/15 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, kể đã nộp hồ sơ từ tháng 1/2010 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chủ quyền, dù gần đây quận không yêu cầu bổ sung giấy tờ gì.
Đề cập việc cấp nước cho bà con khu vực trên, ông Võ Nhật Trân, phó giám đốc Công ty Cấp nước Nhà Bè, cho biết khi công ty chuẩn bị làm dự án cấp nước thì nhận được thông báo của Phòng Quản lý đô thị Q.7 cho biết khu vực trên đang được một công ty địa ốc nghiên cứu quy hoạch. Phòng quản lý đô thị Q.7 đề nghị công ty khảo sát, tính toán kinh phí khi lắp đặt đường ống cấp nước cho khu vực này và toàn bộ kinh phí lắp đặt đường ống phải do người dân đóng góp. Đồng thời, người dân phải cam kết tự tháo dỡ đường ống khi Nhà nước triển khai quy hoạch.
Qua khảo sát, Công ty Cấp nước Nhà Bè cho biết ước tính chi phí lắp đặt đường ống, đồng hồ nước tại khu vực trên khoảng 1,5 tỉ đồng. Công ty đã thông báo với các hộ dân về việc này nhưng họ không đồng ý đóng góp kinh phí vì cho rằng theo quy định hiện hành, việc lắp đặt đường ống, gắn đồng hồ nước do ngành cấp nước đầu tư.
(Theo TTO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet