Phong thủy nhà ở đón năm mới (P1): Cách tạo sinh khí cho nơi ở
Để có một môi trường sống an lành về vị trí - cấu trúc, an hòa về công năng - tương tác và an tâm trong chi tiết - nội thất thì trước hết bạn phải có chốn an cư. Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn tạo sinh khí cho nơi ở trong dịp đầu năm mới.
Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của mỗi gia đình khi cùng nhau sửa chữa, trang hoàng nhà cửa, dọn nhà đón năm mới... Cùng với âu lo, mọi người cũng kỳ vọng việc sửa sang dọn dẹp sẽ đem lại sinh khí mới cho mỗi góc nhỏ trong nhà, mỗi thành viên trong gia đình, dù ít hay nhiều. Sau một năm chịu các tác động từ khí hậu, môi trường, đến quá trình sử dụng, bảo trì, vận hành… cuối năm là lúc thích hợp nhất để xem công trình của gia chủ có ưu - nhược điểm gì.
Khi dọn dẹp, chỉnh trang khu bếp, chủ nhà nên kiểm tra lại hệ thống kỹ thuật
(hút khói, sàn nước, chậu rửa…) xem có bị rò rỉ hay sự cố gì không
Thật không dễ dàng để có một nơi cư trú an lành nếu đó là khu vực có nhiều lộn xộn bất an, nếu hạ tầng công trình xuống cấp hoặc không đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, khi chốn ở chưa tốt cũng là động lực để gia chủ phải tính toán sửa chữa, bảo trì sau một thời gian sử dụng để ngôi nhà trở nên tốt hơn.
Chủ nhà nên chọn cách bài trí giản dị, dễ làm để tạo ra các góc sinh hoạt ấm
cúng trong nhà, không tác động nhiều đến cấu trúc sẵn có
Hay nói cụ thể hơn là với nơi thiếu an ninh, chủ nhà không thể "vô tư" làm kiểu nhà mở rộng không có tường, lam che chắn, hay không có giải pháp xử lý nước ngập dù biết nhà mình ở "vùng trũng"... Chủ nhân nhiều ngôi nhà phố hiện đã can thiệp cấu trúc không gian theo cách “chống chân", tức là tầng trệt chỉ dùng làm garage, tiếp khách sơ, kinh doanh... còn các khu sinh hoạt chung sẽ đưa lên cao.
Trong khi đó, gia chủ nhà phố, biệt thự lại tỏ ra quan tâm hơn đến lớp vỏ bảo vệ, thay vì thuần túy quan tâm kiểu dáng mặt tiền như trước. Với những hệ bao che (mái - tường) nhiều lớp, ngôi nhà không chỉ dễ "thở" hơn mà còn ngăn bức xạ và an ninh cũng đảm bảo hơn. Giải pháp này ngày càng được ưa chuộng hơn, và có ưu điểm là dễ dàng thêm bớt lại không mấy tác động đến phần “khung cứng” của nhà.
Hệ thống cửa ra vào, cửa sổ cần được ưu tiên nhất
Các không gian trong nhà sẽ được kích hoạt nội khí nếu đảm bảo chiếu sáng đúng và đủ
Trong phong thủy nhà ở, cách bố trí không gian phụ thuộc vào việc chọn lựa vị trí của gia chủ, tiếp đến là bài trí nội thất. Một ngôi nhà hợp phong thủy sẽ giúp giảm thiểu xung sát khi vận hành, chẳng hạn sự chật chội, nóng bức, thấm dột, bất tiện... Sau một thời gian sử dụng, ngôi nhà nào cũng sẽ cũ kỹ hơn và nảy sinh những bất ổn về phong thủy, mà gọi nôm na là "gia đạo bất an". Vì thế, việc dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa vào cuối năm chính là một cách giúp nội khí vốn đang bị trì trệ được thay đổi. Thậm chí việc sửa nhà còn giúp đem đến luồng sinh khí mới nếu làm đúng cách. Việc quan trọng là phải biết sửa ở chỗ nào, chỗ nào phải giữ lại để cấu trúc vốn có không bị xáo trộn.
Theo thời gian, chỗ ở của các thành viên trong gia đình cũng biến chuyển, tùy vào lứa tuổi, giới tính, công việc, sinh hoạt… Vì vậy nên tận dụng dịp sửa nhà để bố trí lại không gian riêng - chung để phù hợp với các thành viên, giúp gia đình gắn kết hơn, từ đó gia đạo bình yên, hòa thuận hơn.
Trước khi bắt tay vào tu sửa nhà cửa, gia chủ cần tìm hiểu, xác định thứ tự xử lý các việc trước sau, không nên làm tràn lan sẽ gây bừa bộn, mất thời gian.
Theo nguyên tắc trong phong thủy thì Môn (cửa) cần được ưu tiên trước, tức là cần rà soát lại toàn bộ hệ thống cửa và các lối ra vào nhà. Nhiều nhà phải ở cả năm mới biết nên đóng hay mở cửa nào (do hướng đón nắng, hoặc ngoại cảnh tác động…); nên dùng rèm với cửa nào và màu, sắc chất liệu ra sao mới hợp... Một việc nhỏ như giặt sạch hoặc thay rèm mới (vốn để cả năm tích tụ nhiều bụi bặm) là đã khiến không gian thay đổi. Hay cách hữu hiệu để tạo sinh khí cho nội thất là đặt thêm chậu cảnh, treo hoa trang trí trên khung, bệ cửa sổ.
Dù bếp có diện tích rộng rãi hay khiêm tốn, chủ nhà cũng cần ưu tiên
dọn dẹp, tu sửa khu bếp ăn cho sạch sẽ, tươm tất
Khu vực ưu tiên thứ hai là Táo (bếp núc). Đây là nơi "ô nhiễm" nhất trong nhà bởi tập trung dầu mỡ, nước, khói, côn trùng, rác thải… Khi dọn dẹp bếp, cần kết hợp xem lại hệ thống kỹ thuật (hút khói, sàn nước, chậu rửa…) có sự cố hay hỏng hóc gì không. Nhân dịp này, chủ nhà cũng cần "lập lại trật tự" hợp lý cho không gian bếp vốn đã thay đổi sau một thời gian sử dụng. Cuối năm, khi sở hữu một gian bếp sáng sủa, sạch sẽ, hợp lý, ấm cúng cũng giúp đem lại sinh khí cho cả ngôi nhà. Hãy loại bỏ hình ảnh về một gian bếp cũ kỹ, bừa bộn vốn ăn sâu trong suy nghĩ rằng bếp chỉ là khu phụ.
Bàn thờ cần ưu tiên trước, sau đó đến phòng khách, phòng ăn
Sửa nhà có thể ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng ít nhất nó phải mang đến sự an tâm cho gia chủ. Khu vực dành cho tâm linh và tâm thức chính là yếu tố quan tâm cuối cùng (mà cũng lại là cơ bản nhất), đây cũng là nơi tạo nên nề nếp cho gia đình. Vì thế bàn thờ là khu vực ưu tiên trước, tiếp đến là không gian đoàn tụ - sinh hoạt chung, nơi tiếp khách, phòng ăn, cuối cùng là các phòng riêng.
Vào đầu năm mới, không gian tâm linh - sinh hoạt chung chính là nơi tạo
sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình
Một đặc trưng văn hóa của người Việt là coi trọng đời sống tâm linh, tình nghĩa, tưởng nhớ tổ tiên. Trải qua nhiều đời, các gia đình Việt hầu như vẫn giữ thói quen chăm sóc bàn thờ, đánh bóng lư đồng... Cuối năm cũng là lúc nhiều gia đình mạnh tay sắm vật dụng mới. Tuy nhiên, trước khi sắm đồ nên kiểm tra, sắp xếp, bảo trì các vật dụng cũ vốn có trước. Sau cả một năm sử dụng, vật nào hữu ích, cần giữ lại, gia chủ là người biết rõ nhất. Một nguyên tắc trong phong thủy mà gia chủ cần nhớ là: muốn thêm vào thì cũng phải biết bớt ra, như thế mới tạo được sự cân bằng âm - dương, trước - sau, đồng thời tránh việc không gian bị chèn ép, chật chội.
Chiếu sáng hợp lý tạo cảm giác ấm áp, an tâm
Khu vực đi lại, cầu thang, sảnh đón… là những chỗ giúp tiếp nạp khí và
dẫn truyền khí hiệu quả cho mọi ngôi nhà
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, chiếu sáng ban đêm hợp lý sẽ giúp mọi người cảm thấy an tâm hơn. Trong khi đó, tăng ánh sáng cho khu vực bên ngoài ngôi nhà vừa làm đẹp diện mạo công trình, vừa góp phần bảo vệ, tạo cảm giác an toàn, thuận tiện cho người cư ngụ. Với khu vực tập trung đông người như tiền sảnh, bậc thềm, chiếu sáng còn giúp kích hoạt sinh khí, tạo điểm nhấn cho công trình. Phần hàng rào quanh nhà cũng nên được chiếu sáng, vừa bảo vệ gia chủ vừa tăng thêm ánh sáng cho người qua đường, giảm sự lộng hành của đạo tặc.
Với những góc nhà - khuôn viên bị khuyết hoặc lồi, gia chủ nên bố trí đèn các bên để bóng đổ không bị lệch, giảm thiểu các góc Xung sát, va vấp với người sử dụng do bị che khuất bóng, bị thiếu sáng. Ngoài ra, cũng cần tăng thêm sinh khí cho khu vực cầu thang, lối vào, tiền sảnh… bằng cách bố trí thêm đèn, cây xanh, gương phản chiếu đẹp và tươi tắn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet