Phát triển đô thị vệ tinh: Giải pháp giảm ùn tắc cho Hà Nội
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 của Bộ Xây dựng, một trong những giải pháp giảm ùn tắc cho Hà Nội và Tp.HCM được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề cập là đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh (ĐTVT).
Ngày 12/1, Sở GTVT Hà Nội cũng phát động cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Sau lễ phát động, một trong các phương án được nhiều chuyên gia đưa ra là phát triển ĐTVT.
Trên thực tế, việc phát triển ĐTVT tại Hà Nội đã được đưa vào quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đề án quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn. Có 4/5 ĐTVT đã được UBND thành phố phê duyệt là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Riêng ĐTVT Hòa Lạc đang thẩm định, tạm dừng để bổ sung nghiên cứu theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Một trong những giải pháp giảm ùn tắc cho Hà Nội là đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh |
Mỗi ĐTVT cũng được định hướng cụ thể. Trong đó, ĐTVT Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. ĐTVT Hòa Lạc xác định trở thành 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển mới, có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo. ĐTVT Sơn Tây có tính chất chính là đô thị văn hóa lịch sử và đô thị du lịch nghỉ dưỡng. ĐTVT Xuân Mai là đô thị dịch vụ công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề. ĐTVT Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa.
Mỗi ĐTVT đều có chức năng riêng. Sự riêng biệt này được kì vọng là 1 trong những giải pháp có vai trò lớn trong việc giảm áp lực dân cư, giảm sức ép cho khu vực nội đô.
Theo tìm hiểu của PV Batdongsan.com.vn, nhiều động thái đã được chính quyền Hà Nội thực hiện nhằm thúc đẩy việc xây dựng, hình thành ĐTVT. Các động thái được triển khai đồng bộ ở cả đô thị trung tâm (ĐTTT) và ĐTVT.
Với các ĐTTT, 1 tổ công tác đã được thành lập để giúp việc Ban chỉ đạo thành phố trong công tác di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Tổ công tác đã làm việc với 12 quận, rà soát, đối chiếu các quy hoạch được duyệt và cung cấp đầy đủ thông tin quy hoạch cho 117/117 cơ sở, tại 11 quận theo danh sách do Ban chỉ đạo đề xuất. Cùng với đó, tổ công tác đề xuất hàng loạt biện pháp, phương thức, cơ chế và lộ trình di dời.
Đối với các ĐTVT, ông Bùi Xuân Tùng - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Căn cứ vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung các ĐTVT, căn cứ tính chất, quy mô, loại hình sản xuất của các cơ sở công nghiệp, thành phố dự kiến sẽ có khoảng 138 cụm công nghiệp hình thành ở 1 số ĐTVT. Ngoài ra, ĐTVT Hòa Lạc dành 200ha, Sóc Sơn 100ha, Phú Xuyên 200ha, Sơn Tây 50ha để bố trí cơ sở y tế. Về cơ sở giáo dục, khu vực đại học Hòa Lạc có quy mô 1.100-1.200ha với 120.000-150.000 sinh viên; khu đại học Sóc Sơn quy mô 600-650ha với 80.000-100.000 sinh viên. Các khu công nghiệp, khu đại học hình thành tại đây sẽ góp phần giảm tải cho ĐTTT, thu hút sự dịch chuyển dân số đến học tập, làm việc, sinh sống”.
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các ĐTVT vẫn đặt ra nhiều thách thức. Để quy hoạch hiệu quả, ông Tùng nhấn mạnh đến việc di dời và sử dụng quỹ đất sau di dời tại ĐTTT, từ chủ trương đến giải pháp đòi hỏi sự tích hợp cao và vai trò của Chính phủ có ý nghĩa quyết định.
Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng xác định động lực phát triển của ĐTVT trên các phương diện: khai thác tiềm năng thu hút đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nhà ở, dịch vụ... Hạ tầng giao thông cần đẩy mạnh để tăng khả năng kết nối, chia sẻ chức năng với ĐTTT của ĐTVT.
Cũng theo ông Tùng, trong quy hoạch đô thị và thực tiễn, động lực để phát triển các ĐTVT không chỉ là khu vực đô thị trung tâm lớn mà còn là các thành phố lân cận xung quanh nó. Chẳng hạn, TP Việt Trì (Phú Thọ) và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) với ĐTVT Sơn Tây, TP Thái Nguyên và Bắc Ninh đối với ĐTVT Sóc Sơn hay Phủ Lý (Hà Nam), Hưng Yên đối với ĐTVT Phú Xuyên… Động lực để phát triển các ĐTVT còn là việc phát huy thế mạnh của đô thị nhỏ, hướng tới tiêu chuẩn đô thị cao hơn, có tính hấp dẫn và cạnh tranh hơn khu vực ĐTTT, chứ không bị động và phụ thuộc vào nó.
Ngoài ra, kế hoạch và lộ trình phát triển (cho toàn thành phố và cho từng đô thị vệ tinh) cần tiến hành từng bước, gồm: lập, thẩm định, trình phê duyệt Chương trình đô thị thành phố Hà Nội và chương trình phát triển từng đô thị. Trong đó có các nội dung: rà soát, đánh giá các chỉ tiêu của đô thị, phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị trong tương lai. Đây sẽ là tiền đề để lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị.
Song song với đó, ông Bùi Xuân Tùng cho rằng: “Để quy hoạch đồng bộ, đối với ĐTTT, quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Quỹ đất này phải được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho đơn vị di dời. Đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, thực hiện bảo tồn, phục chế theo quy định của Luật Di sản văn hóa, ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng”.
Thúy An
(Theo Nhịp sống thời đại)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet