Phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai: Ai phạt? Phạt ai?
Xử phạt hành chính các vi phạm đất đai là một hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực đất đai, góp phần hạn chế những sai phạm, tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng đất. Vậy khi nào bị xử phạt hành chính về đất đai, ai là người có thẩm quyền đưa ra hình thức xử phạt và đối tượng nào không bị xử phạt?
1. Tổng quan về phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
Phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai là gì?
Hiểu một cách đơn giản, phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai (hay còn gọi là xử phạt hành chính về đất đai) là việc cơ quan Nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng chế tài hành chính để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Những hành vi này có thể được thực hiện một cách vô ý hoặc cố ý, xâm phạm tới quyền lợi của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc xử phạt hành chính về đất đai
- Luật Đất đai 2013.
- Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2014.
- Nghị định số 91/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/11/2019 nhằm sửa đổi, bổ sung và khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
2. Đối tượng bị xử phạt và không bị xử phạt hành chính về đất đai
Đối tượng bị xử phạt hành chính về đất đai
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, những cá nhân/tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất hoặc trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất chính là đối tượng bị xử phạt hành chính về đất đai. cụ thể bao gồm:
- Cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Cơ sở tôn giáo.
Đối tượng không bị xử phạt hành chính về đất đai
Đây là những trường hợp ngoại lệ được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, cụ thể là các cá nhân/tổ chức được quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Pháp luật có quy định cụ thể về các đối tượng bị xử phạt hành chính về đất đai. Ảnh minh họa: Internet
3. Thẩm quyền và hình thức phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
Thẩm quyền xử phạt
Căn cứ quy định tại Điều 38, 39 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có:
- Chủ tịch UBND các cấp
- Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai.
Hình thức phạt
Cảnh cáo và phạt tiền là 2 hình thức chính trong xử lý vi phạm đất đai (quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2014/NĐ-CP). Ngoài ra còn có 3 hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu các giấy tờ đất đai đã bị tẩy xóa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng liên quan đến nhà đất; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai...
4. Một số trường hợp có thể bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
Tùy vào hình thức, mức độ vi phạm, hậu quả mà các hành vi sau đây có thể bị xử phạt hành chính hoặc áp dụng các chế tài mạnh hơn. Các trường hợp vi phạm và hành vi cụ thể được Batdongsan.com.vn tổng hợp trong bảng dưới đây.
Trường hợp đối tượng vi phạm pháp luật đất đai là người thi hành công vụ trong quản lý đất đai
Trường hợp vi phạm | Hành vi cụ thể |
Vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới hành chính | - Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính. - Cắm mốc địa giới hành chính sai vị trí trên thực địa.
|
Vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất | - Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định. - Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. - Không công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. |
Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất | Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích đất trên thực địa hoặc không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt. |
Vi phạm quy định về thu hồi/trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư | - Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi; không công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. - Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. - Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường … |
Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản | - Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; - Sử dụng đất sai mục đích; - Để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát.
|
Vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất | - Không nhận hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ, không hướng dẫn cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ, gây phiền hà đối với người nộp hồ sơ... - Tự đặt ra các thủ tục hành chính ngoài quy định chung, gây phiền hà đối với người xin làm các thủ tục hành chính. - Giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền… |
Trường hợp đối tượng vi phạm pháp luật đất đai là người sử dụng đất
Căn cứ điều 20 Luật đất đai 2013, các hành vi vi phạm về đất đai mà người sử dụng đất có thể vô tình hay cố ý phạm phải, dẫn đến bị xử phạt theo quy định pháp luật (mức nhẹ nhất là cảnh cáo hoặc chỉ xử phạt hành chính) bao gồm:
- Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền của người sử dụng đất.
- Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định.
- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
- Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác.
- Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Lấn/chiếm/hủy hoại đất đai.
Ví dụ với hành vi lấn/chiếm đất chưa sử dụng ở khu vực nông thôn, mức xử phạt hành chính được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP như sau:
Diện tích đất lấn chiếm | Mức phạt hành chính |
Dưới 0,05 héc ta | Từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng |
Từ 0,05 héc ta - Dưới 0,1 héc ta | Từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng |
Từ 0,1 héc ta - Dưới 0,5 héc ta | Từ 5.000.000 đồng - 15.000.000 đồng |
Từ 0,5 héc ta - Dưới 01 héc ta | Từ 15.000.000 đồng - 30.000.000 đồng |
Từ 01 héc ta trở lên | Từ 30.000.000 đồng - 70.000.000 đồng |
Linh Phương
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet