Pháp luật có bảo vệ những người mua nhà bằng giấy tay?
Hỏi: Năm 2009 gia đình tôi mua một ngôi nhà 4 tầng tại Lò Đúc (Hà Nội) của gia đình anh A, chưa có sổ đỏ. Trong đó tầng hai có một khoảng không tranh chấp với gia đình bà B. Tầng 1 là bếp gia đình bà B, tầng 2 là của anh A, trồng cây cảnh.
Khi nhà tôi đến ở đã hàn lại lồng sắt ở tầng hai chỗ trồng cây cảnh. Khi chúng tôi đi làm thì nhà bà B lên phá bỏ lồng sắt ở tầng hai và phá cả lồng sắt bên nhà tôi.
Chúng tôi đã làm đơn ra phường, phường giải quyết, bảo đó là khoảng không gian chung hai bên không được sử dụng và để nguyên trạng. Nhưng ba năm sau, đến ngày 30/6/2011 gia đình bà B tự ý hàn sắt để đặt bể nước lên khoảng không đó và dùng tôn quây kín lại.
Xin hỏi gia đình bà B có vi phạm Luật đất đai không? Gia đình tôi phải làm gì để tháo dỡ bể nước và tấm tôn của gia đình họ? Pham ThuHa ([email protected] )
Trả lời
Do căn nhà trên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thời điểm mua bán, việc mua bán bằng giấy tay (không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) lại diễn ra sau ngày 1/7/2004 nên việc giao dịch mua bán nhà giữa bạn và anh Trung sẽ không được pháp luật thừa nhận và bị vô hiệu theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.
Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết tranh chấp theo luật định. Do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là “giấy chứng nhận”) nên tùy thuộc vào việc bạn có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai hay không mà thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của bạn sẽ là tòa án nhân dân có thẩm quyền hay UBND.
Cụ thể:
+ Nếu không có giấy chứng nhận, cũng không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới UBND cấp huyện nơi có đất.
+ Trường hợp ngược lại, nếu có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai thì bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi có nhà đất để được giải quyết tranh chấp.
Lưu ý: Tranh chấp của bạn phải trải qua bước hòa giải tại UBND cấp xã nơi có nhà đất, trước khi nộp đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(www.legalvn.com)
(Theo TTO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet