Phân biệt tranh chấp đất đai với tranh chấp liên quan đến đất đai
Tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai là cặp thuật ngữ rất dễ gây nhầm lẫn hoặc đánh đồng về nghĩa. Vậy làm sao để phân biệt được hai khái niệm này?
Tiêu chí
| Tranh chấp đất đai | Tranh chấp liên quan đến đất đai |
Định nghĩa | Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai | Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ dân sự liên quan đến đất đai |
Loại tranh | - Tranh chấp giữa người sử dụng đất với cá nhân khác hoặc với Nhà nước (vấn đề bồi thường đất) - Tranh chấp giữa những người sử dụng chung đất, chung các tài sản gắn liền với đất hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất - Tranh chấp giữa 2 cá nhân chưa xác định được ai là người sử dụng đất hợp pháp | - Tranh chấp trong giao dịch đất đai - Tranh chấp di sản thừa kế là đất đai - Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất |
Bản chất | Tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất. Nói cách khác là những mâu thuẫn, bất đồng giữa các chủ thể trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp. | Tranh chấp về các vấn đề khác, nhưng có đối tượng là đất đai. Ví dụ: + Tranh chấp về vấn đề thừa kế nhưng có đối tượng là đất đai (con cháu tranh chấp quyền thừa kế di sản là đất) + Tranh chấp về vấn đề hôn nhân và gia đình nhưng có đối tượng là đất đai (vợ chồng phân chia tài sản chung là đất khi ly hôn) + Tranh chấp về vấn đề hợp đồng dân sự nhưng có đối tượng là đất đai (các văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, pháp lý đất…) |
Thủ tục hòa giải tại cấp cơ sở | Bắt buộc tiến hành hòa giải ở UBND cấp xã | Không bắt buộc hòa giải ở UBND cấp xã, nhưng khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại cấp cơ sở |
Cơ quan có thẩm quyền | - UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh (giải quyết tranh chấp bằng hình thức khiếu nại) - Tòa án nhân dân tại nơi có đất tranh chấp (giải quyết tranh chấp bằng hình thức khởi kiện) | Tòa án nhân dân tại nơi xảy ra tranh chấp liên quan đến đất |
Cách giải | Nếu hòa giải tại cơ sở không thành thì có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND huyện, tỉnh hoặc khởi kiện tại tòa án | Đương sự có quyền khởi kiện tại tòa án mà không cần thông qua cấp cơ sở |
Thời hiệu khởi kiện | Không áp dụng thời hiệu khởi kiện | - Đối với tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (Theo Khoản 1 Điều 623 Bộ Luật Dân sự 2015) - Đối với tranh chấp liên quan đến giao dịch quyền sử dụng đất: Thời hiệu khởi kiện áp dụng như đối với các tranh chấp về hợp đồng nói chung. Cụ thể là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Theo Điều 429 Bộ Luật Dân sự 2015) - Đối với tranh chấp về chia tài sản chung là đất giữa vợ chồng: Không áp dụng thời hiệu khởi kiện |
Về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Trước khi hòa giải, UBND xã phải thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân, thu thập các tài liệu liên quan đến vụ việc tranh chấp. Cuộc họp hòa giải phải có sự tham gia của các bên tranh chấp đất đai, trường hợp một trong các bên vắng mặt hoặc vắng mặt đến lần thứ 2 thì coi như việc hòa giải không thành. Theo Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
Linh Phương (TH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet