Phải quy hoạch chi tiết 1/500 mới có cơ sở đền bù giải tỏa
Hiện nay, việc đền bù giải tỏa các khu đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông hoặc các dự án xây dựng nhà ở, khu công nghiệp… nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phải dựa trên các luận chứng kinh tế - kỹ thuật bảo đảm đạt mục tiêu: tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.
Việc đền bù giải tỏa các khu đất nông nghiệp phải dựa trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Ảnh: Diễm Thy |
Để đạt được 2 mục tiêu này, việc đền bù giải tỏa đất trước hết, nhất thiết phải dựa trên cơ sở là đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 24 của Luật Xây dựng thì quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị gồm hai loại: quy hoạch 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500. Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 triển khai và cụ thể hóa quy hoạch đô thị tỷ lệ 1/2000, là cơ sở để lập các dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000.
Quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh do doanh nghiệp tổ chức lập và chi phí cho việc lập quy hoạch tính vào chi phí của dự án; còn lại các việc khác quy hoạch chi tiết 1/500 do chính quyền địa phương tổ chức lập để phục vụ cho công tác quản lý xây dựng, cấp giấy phép xây dựng. Trên bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500, phải chi tiết hóa đến từng công trình (chứ không chỉ là tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc và cảnh quan như quy hoạch 1/2000).
Vì vậy, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 chính là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng. Nó thể hiện rõ phần diện tích đất nào và của ai “dính” vào công trình hay dự án đầu tư nào, và dựa vào đó, mức đền bù mới có thể thỏa đáng được.
Ví dụ: Dự án kết nối đại lộ Đông Tây với tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây và dự án 90ha Nam Rạch Chiếc trên địa bàn quận 2; hay dự án 87ha của quận 2 TPHCM,… bao gồm nhiều dự án thành phần. Do vậy, một mảnh đất của cùng một hộ có khi lại liên quan đến 2 hoặc 3 dự án khác nhau. Những dự án có mục đích sử dụng đất khác nhau thì phải áp dụng phương pháp thu hồi đất với mức đền bù (và hỗ trợ bồi thường thiệt hại) khác nhau cho phù hợp (được quy định bởi Điều 36, 96, 97 Luật Đất đai 2003 và các văn bản dưới luật).
Như vậy, quy hoạch chi tiết 1/500 (có sự tham gia ý kiến của tất cả người dân địa phương liên quan đến dự án) cần được các cấp có thẩm quyền xét duyệt dự án xem là căn cứ cần thiết - không thể thiếu khi tiến hành đền bù giải tỏa đất đai.
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet