Ôm cục nợ lớn vì mua nhà trên giấy
Khu đô thị mới An Phú - An Khánh (AP-AK) quận 2 là một trong những khu đô thị bề thế nhất trên địa bàn TP.HCM, lại nằm liền kề với khu đô thị mới Thủ Thiêm nên có giá nhà, đất thuộc vào loại cao nhất. Vì thế nên nơi đây đã nảy sinh tình trạng mua - bán nhà đất lòng vòng trên giấy.
Hậu quả, nhiều trường hợp hợp đồng mua bán - nhà đất ký cách đây gần 10 năm, nhưng đến nay mới phát hiện chủ đầu tư chưa giải phóng xong mặt bằng, vì vậy cũng chẳng có nhà đất để giao cho khách hàng.
Khách hàng cuối ôm cục nợ
Trong thời gian gần đây, một số khách hàng đến hạn nhận nhà, nền đất trong khu đô thị mới AP-AK nhưng chẳng được giao nhà. Cuối cùng, cực chẳng đã phải đi khiếu nại và nhờ báo chí lên tiếng. Trường hợp của ông Nguyễn Trần Minh Nhật là một điển hình.
Một góc khu đô thị mới An Phú - An Khánh.
Ngày 19.11.2003, Cty phát triển và kinh doanh nhà (thuộc TCty Địa ốc Sài Gòn) bán cho ông Trần Văn Minh căn nhà xây thô, diện tích 16m x 8m, giá chuyển nhượng là 5,6 triệu đồng/m2. Căn nhà có số 937, đường nội bộ khu C, khu đô thị AP-AK, quận 2. Thời điểm đó, trên thực tế chưa có nhà đất gì cả, vì mua - bán nhà đất trên giấy vẫn là chuyện hết sức phổ biến. Theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà sau 30 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Tiếp đó, ngày 24.8.2004, căn nhà trên giấy được bán sang một người khác, thông qua phụ lục hợp đồng bán nhà xây thô. Không cần biết người bán lời lỗ thế nào, chủ đầu tư đứng giữa hưởng một khoản kha khá là “tiền lãi phạt chậm thanh toán” hơn 10 triệu đồng, “phí dịch vụ chuyển tên hợp đồng” 6 triệu đồng. Song song với việc sang tên hợp đồng mua - bán nhà trên giấy, chủ đầu tư còn lùi thời hạn giao nhà thêm 6 tháng.
Ngày 14.5.2007, căn nhà vẫn nằm trên giấy lại được bán cho ông Nguyễn Trần Minh Nhật. Chủ nhân mới phải đóng đủ số tiền còn lại là 95% tổng giá trị hợp đồng, trong đó gồm 232,9 triệu đồng “thanh toán thêm”, 27,4 triệu đồng lãi phạt chậm thanh toán và 6 triệu đồng “phí chuyển tên hợp đồng”. Đồng thời, chủ đầu tư tiếp tục lùi thời hạn giao nhà thêm 1 năm.
Giữa năm 2008, thời điểm giao nhà theo hợp đồng đã đến, nhưng Cty phát triển và kinh doanh nhà... lờ lớ lơ chuyện giao nhà. Ông Nhật khiếu nại nhưng vẫn không có kết quả. Đến năm 2009 thì một nhân viên của Cty tiết lộ phần đất mà trước đây Cty bán cho ông hiện nay vẫn chưa giải toả được hoàn tất, nên không thể biết được bao giờ mới có nhà để giao!
Gần 200 khách hàng mắc cạn
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trường hợp của ông Nhật không phải là cá biệt, mà có đến gần 200 trường hợp lâm vào tình cảnh tương tự. Trong đó có nhiều trường hợp mua - bán cách đây đã gần 10 năm - thời điểm dự án khu đô thị mới AP – AK mới được giao đất.
Kể từ khi ông Nguyễn Khắc Phong được điều về làm TGĐ Cty phát triển và kinh doanh nhà thì tình trạng mua - bán nhà trên giấy ở những nơi chưa giải phóng mặt bằng xong mới bị chấm dứt. Phía Cty đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết vụ việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Dự án khu đô thị AP-AK có diện tích 131ha được Chính phủ phê duyệt năm 1998. Dự án chia làm 5 khu, riêng nền nhà phố liên kế và biệt thự là 1.960 nền. Sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư lập tức bán nhà đất, lấy vốn của khách hàng phục vụ cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Hình thức bán nhà, nền nhà trên giấy tại thời điểm đó khá phổ biến, dự án nào cũng chỉ có chung một chiêu, mượn đầu heo nấu cháo. Nhà đất mặc dù đã ký hợp đồng bán cho khách hàng, nhưng trên thực tế quyền sử dụng vẫn thuộc về người có quyền sử dụng đất.
Trở lại với dự án khu đô thị mới AP- AK, cho đến thời điểm hiện nay Cty phát triển và kinh doanh nhà mới chỉ bồi thường được 110ha trên tổng diện tích 131ha. Gần 200 trường hợp khách hàng mua nhà, đất nhưng Cty phát triển và kinh doanh nhà không có nhà đất để giao thuộc vào diện tích đất chưa giải toả được. Tình hình ngày một xấu đi, khi giá đất trên địa bàn quận 2 biến động liên tục, việc giải phóng mặt bằng trở nên nan giải.
Trước đây gần 10 năm, Cty phát triển và kinh doanh nhà bán cho khách hàng từ 3 đến 5 triệu đồng/1m2 nền nhà thì thời điểm hiện tại với giá đó chưa chắc mua nổi 1m2 đất nông nghiệp trên địa bàn 2 phường AP-AK. Trong khi đó, do là Cty nhà nước, phương án cũng như giá bồi thường đều được duyệt nên thấp hơn rất nhiều so với giá bồi thường của những dự án liền kề. Chính vì vậy, người có quyền sử dụng đất và Cty phát triển và kinh doanh nhà không thể gặp nhau.
Cuối cùng thiệt hại chỉ thuộc về khách hàng, họ phải bỏ ra một khoản tiền 2 đến 2,5 tỉ đồng tiền chênh lệch để sang lại hợp đồng mua - bán nhà trên giấy, nhưng đang đứng trước nguy cơ thiệt hại to lớn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet