"Nóng" nạn sổ đỏ giả dịp cuối năm
Lợi dụng thị trường bất động sản sôi động dịp cuối năm, dịch vụ làm sổ đỏ, sổ hồng giả lại nóng lên tạo ra nguy cơ dính lừa đảo rất lớn cho những nhà đầu tư tay ngang.
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ làm sổ đỏ giả, sổ hồng “fake” trên google ngay lập tức có hàng chục kết quả trả về. Các trang web còn ngang nhiên quảng bá việc làm sổ đỏ, sổ hồng giả như thật, có thể mang đi mua bán, vay ngân hàng, cầm cố thoải mái.
Khách hàng khi có nhu cầu sẽ được nhân viên tư vấn điện thoại lại tư vấn, giao hàng trong 24h với cam kết “giả như thật”, bị phát hiện sẽ không lấy tiền.
Thông tin làm giấy tờ nhà đất giả được rao công khai trên mạng
"Sổ giả như thật, sai đền tiền"
Lợi dụng dịp cuối năm, thị trường bất động sản sốt nóng, việc mua đi bán lại nhà đất, nhất là đất nền diễn ra liên tục khiến các đối tượng lừa đảo lên mạng đặt hàng các sổ đỏ, sổ hồng để rao bán “vịt giời”.
Hầu hết các trang web bán giấy tờ giả quảng cáo rất công khai, cam kết các loại bằng cấp và giấy tờ đều làm 100% bằng phôi thật. Không những thế, các chữ ký, mộc giáp lai, tem phản quang chống hàng giả đều ký tay, đóng mộc thật, dán tem thật chứ không phải dùng máy in kém chất lượng.
Tinh vi hơn, các đối tượng còn tư vấn cho người đặt sổ đỏ “fake” làm giả luôn các giấy tờ liên quan như trích lục bản đồ, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn,… để “giả trông được như thật”.
Hàng giả nhưng được cam kết về chất lượng.
Thời gian qua, đã ghi nhận nhiều trường hợp trên cả nước tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng sổ đỏ, sổ hồng và các giấy tờ liên quan giả để lừa bán các bất động sản. Đáng chú ý, thông thường, các hành vi lừa đảo này chỉ bị phát giác sau khi các đối tượng đã thực hiện một vài “phi vụ” trót lọt.
Gần đây nhất, ngày 22/12/2020, Công an huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết cơ quan này đang hoàn tất hồ sơ để truy tố Phạm Văn Tùng (SN 1987; ngụ xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Do nợ nần chồng chất, Tùng đã lên mạng xã hội đặt mua một sổ đỏ giả đứng tên mình cùng vợ rồi sau đó lừa bán mảnh đất của một người khác với giá 600 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 5/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Thị Oanh (38 tuổi, ngụ KP5, TT Dương Đông, H.Phú Quốc) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ tháng 3/2019 đến tháng 12/2019, đối tượng Oanh đã làm giả 12 giấy tờ đất giả ở Phú Quốc đem cầm cố, chiếm đoạt của các chủ tiệm cầm đồ số tiền trên 2,8 tỷ đồng sau đó mới bị phát hiện.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng chục trường hợp lừa đảo liên quan đến việc dùng giấy tờ sổ hồng, sổ đỏ giả đã được ghi nhận trên các phương tiện thông tin truyền thông thời gian qua.
Thời điểm cuối năm, nhất là dịp thị trường bất động sản tăng nóng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lướt sóng, nhỏ lẻ, không chuyên càng khiến nguy cơ dính lừa đảo từ các đối tượng sử dụng giấy tờ nhà đất giả tăng cao.
Người mua cần tỉnh táo để "tự cứu mình"
Theo các chuyên gia về pháp lý, việc làm giấy tờ nhà đất giả dù có tinh vi đến đâu thì vẫn có những phương pháp để xác minh. Điều quan trọng là nhà đầu tư, người mua cần tỉnh táo, giữ “cái đầu lạnh” để phân biệt thật, giả tránh bị “vào tròng” lừa đảo của các đối tượng xấu.
Theo Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty luật Bảo Ngọc (Hà Nội), các cá nhân, tổ chức cần xác minh thông tin về sổ đỏ của cá nhân là thật hay là giả có thể đến cơ quan cấp giấy chứng nhận - đã được ghi trong sổ đỏ (theo điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014).
Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì có 02 trường hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Dựa theo thông tin nơi cấp được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người mua có thể tìm đến và làm thủ tục xác minh sổ đỏ theo hướng dẫn tại Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng TN&MT.
Lê Sáng
>> GCN quyền sử dụng đất không có mã vạch ở trang cuối là thật hay giả?
>> Mua nhà đất sổ đỏ xịn vẫn có thể trắng tay!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet