Nợ đọng gia tăng do bị giảm nguồn thu từ bất động sản
Trong quý 1 vừa qua, nguồn thu từ các khu vực kinh tế của TP.HCM đều tăng, tuy nhiên nợ đọng thuế của thành phố cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Nguyên nhân được cho là do nguồn thu từ bất động sản sụt giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê từ Cục Thuế TP.HCM, trong quý 1/2019 vừa qua, đơn vị này đã thực hiện số thu ngân sách nhà nước đạt 70.406 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 24,25% dự toán năm, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong khi tổng nguồn thu tăng, thì lại có một số khoản thu giảm, với sự sụt giảm thê thảm của lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đơn cử, khoản thu tiền sử dụng đất giảm tới 69%, thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước cũng giảm gần 52%, thu lợi nhuận sau thuế giảm gần 59%...
Trong các tháng đầu năm 2019, bất động sản có nguồn thu thuế mạnh nhất trong các ngành. Ảnh: Ngọc Dương |
Do sự sụt giảm mạnh của nguồn thu từ bất động sản nên nợ đọng thuế tăng mạnh. Theo thông tin xác nhận từ ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM, từ đầu năm đến nay nợ đọng thuế đã tăng thêm khoảng 2.000 tỉ đồng. Nếu tính dồn từ trước đến nay thì khối nợ đọng đã tăng suýt soát 12.000 tỉ đồng. Ông Minh cho biết: “Nợ đọng tăng chủ yếu do một số dự án bất động sản trên địa bàn thành phố chưa triển khai được, kể cả các dự án mới tư nhân”. Phó cục trưởng Cục thuế cũng nhấn mạnh, một số nguồn thu sụt giảm khiến tình hình số thu ngân sách trong quý 1 gặp nhiều khó khăn. Số thu tiền sử dụng đất từ đầu năm đến nay chỉ đạt đạt 1.600 tỉ đồng, sụt giảm mạnh so với con số khoảng 5.000 tỉ đồng cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, thực chất nợ đọng cũng chính là tình trạng chiếm dụng vốn của nhà nước và tạo sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, sự sụt giảm mạnh của nguồn thu từ bất động sản còn cho thấy TP.HCM từng trải qua thời gian thị trường bất động sản “nóng sốt”. Một số nơi đã có sự phát triển gần chạm bong bóng, không đúng với giá trị thực và chỉ thuần túy là mua bán chuyển nhượng, không có nhu cầu thực.
Còn ông Lê Duy Minh thì tỏ rõ sự lo ngại bởi một khi thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của những lĩnh vực, ngành nghề liên quan khác như thị trường vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, lao động... bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến nguồn thu ngân sách từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề, không riêng gì bất động sản.
Nguy cơ từ dịch chuyển địa bàn Ông Lê Duy Minh cho biết, còn có một nguy cơ giảm thu khác mà thành phố cần nghiên cứu là xu hướng sụt giảm mạnh nguồn thu thuế của một số quận. Nguyên nhân là do hạ tầng giao thông thành phố liên tục xảy ra kẹt xe, triều cường nước cao… khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng trụ sở sản xuất kinh doanh ra các tỉnh thành lân cận, nơi có vị trí cơ sở hạ tầng tốt hơn. Điều này khiến nguồn thu thuế của thành phố cũng dịch chuyển theo sang các tỉnh thành khác. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet