Sau cơn mưa đầu tháng 5, đường Lương Định Của (quận 2) lầy lội bùn đất. Để vào khu vực có 5-6 căn nhà cũ nát phải đi thêm nhiều con đường ngoằn nghèo. Cách đó chỉ vài trăm mét là đại công trường với những khu nhà hiện đại và hàng loạt tuyến đường để xây dựng Thủ Thiêm thành khu đô thị hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại đây, ngôi nhà của vợ chồng chị Phùng Thị Thu Hằng luôn khóa 2-3 lớp cửa vì hở ra là bị mất trộm. Vợ chồng chị cho biết, gia đình chị và 5-6 hộ khác thuộc phường Bình An là những người "Thủ Thiêm gốc" cuối cùng còn sót lại từ sau khi việc cưỡng chế giải tỏa bị tạm dừng vào năm 2014. Họ không di dời vì cho rằng nhà mình không nằm trong quy hoạch dự án.

quy hoạch Thủ Thiêm
Ngôi nhà của vợ chồng chị Hằng hiện đã xuống cấp. Ảnh: Sơn Hòa

Ngôi nhà của vợ chồng chị Hằng nằm trên mảnh đất gần 260m2 hiện đã xập xệ vì không được phép sửa chữa suốt nhiều năm qua. Chị Hằng nói: "Ở đây chỉ làm bạn với ruồi muỗi, cây cỏ, nước ngập… Cuộc sống khốn khổ thật đấy nhưng chúng tôi được sống trong nhà mình, trên đất ông bà tổ tiên để lại".

Chồng chị Hằng, anh Lương Văn Thanh không nói được vì bị ung thư thanh quản. Nhưng khi bàn về việc thu hồi nhà đất, anh nhanh chóng lật từng trang tài liệu, đối chiếu và ghi ra giấy để giãi bày.

Sau một năm Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, năm 1997, chính quyền quận 2 xác nhận ngôi nhà của anh nằm trong khu dân cư, không thuộc quy hoạch. Nhưng nhiều năm sau, ngôi nhà lại bị xác định nằm trong khu vực phải giải tỏa. Gia đình anh nhất quyết không di dời vì cho rằng chính quyền làm sai.

Anh Thanh viết ra giấy: "Bám trụ ở Thủ Thiêm, chúng tôi đã khốn đốn quá nhiều năm, cuộc sống không tiện ích dù cách trung tâm Sài Gòn chỉ hơn 2km. Giờ sự việc đã rồi, tôi chỉ mong được hoán đổi đất về khu 4,3ha gần đây vốn nằm ngoài quy hoạch".

bản đồ Thủ Thiêm thất lạc
Căn nhà nham nhở vết vá của vợ chồng anh Hoàng. Ảnh: Sơn Hòa

Nằm cạnh đó là căn nhà nham nhở vết vá, mọc đầy rong rêu của vợ chồng anh Nguyễn Huy Hoàng (41 tuổi) và hai con nhỏ.

Anh Hoàng chia sẻ: "Khu này không có tiện ích, mang tiếng là cư dân thành phố nhưng chúng tôi đang bị bỏ rơi. Cây cối um tùm xung quanh, rắn rết bò vào nhà thường xuyên nên tôi rất sợ ảnh hưởng con cái. Điện đường hư hỏng chúng tôi cũng phải tự sửa để đảm bảo an ninh. Chúng tôi rất muốn mọi thứ ổn định để lo cho con cái ăn học đàng hoàng chứ sống như vầy tội chúng nó quá".

Theo lời anh Hoàng kể, khu vực này trước đây khá khang trang, có đủ chợ, trường học, trung tâm y tế... Nhưng từ sau khi người dân phải di dời vì có quyết định thu hồi đất, khu vực này trở nên hoang vu như bây giờ. Anh bức xúc: "Chúng tôi sẽ chấp hành đúng pháp luật. Ở đây là chính quyền làm sai, đất của tôi ngoài ranh quy hoạch thì sao cưỡng chế được".

Tương tự, nằm trên đường Trần Não thuộc phường Bình Khánh, hàng chục hộ dân cũng khẳng định nhà đất của mình nằm ngoài quy hoạch nhưng chính quyền đã cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa.

Suốt 6 năm nay, gửi 2 con cho ông bà ngoại, vợ chồng chị Tô Thị Phương Thi (35 tuổi) sống nhờ tại nhà bà con ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) rồi chạy ngược xuôi để khiếu kiện. Chồng chị là bộ đội vừa nghỉ hưu, thường xuyên cùng nhiều người khác ra Hà Nội để kêu cứu đến các cơ quan trung ương.

Chị Thi nói: "Gia đình tôi có hai căn nhà trên mảnh đất nông nghiệp rộng 1.380m2, với diện tích này được đền bù gần 1,3 tỷ đồng nhưng khi bị cưỡng chế vợ chồng tôi không nhận tiền. Đây là đất hương hỏa ông bà để lại, bản chất nó cũng nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm thì cớ sao phải giải tỏa".

bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm
Ông Lung đang giữ tấm bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000
Khu đô thị Thủ Thiêm năm 1996. Ảnh: Sơn Hòa

Căn nhà rộng 1.000m2 từng cho thuê làm trụ sở ngân hàng ngay ngã tư Trần Não - Lương Định Của của ông Lê Văn Lung cũng đã bị giải tỏa. Ông Lung không nhận số tiền đền bù hơn 6 tỷ đồng của thành phố. Ông nói: "Vì bản chất nhà của tôi nằm ngoài ranh quy hoạch năm 1996 mà Thủ tướng phê duyệt".

Ông Lung đang giữ tấm bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm năm 1996, có dấu mộc của Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM khi đó là ông Lê Văn Năm và Sở Xây dựng thành phố. Ông Lung khẳng định, tấm bản đồ mà Tp.HCM trình Thủ tướng từ 22 năm trước và đã được phê duyệt làm Khu đô thị Thủ Thiêm so với tấm bản đồ mà ông giữ là "sinh đôi" của nhau.

Khu dân cư ba phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh không nằm trong ranh ban đầu của bản đồ. Cũng theo mô tả trong quy hoạch chi tiết 1/2.000 năm 1998, phía Đông khu đô thị giáp một phần còn lại của phường An Khánh nhưng ranh chưa chạm đến phường Bình Khánh, Bình An.

Ông Lung nghi vấn: "Trong khi đó, bản đồ thu hồi đất lại vẽ ranh làm mất trắng phường An Khánh và mất luôn khu dân cư Bình An và Bình Khánh. Đây là hành vi cố tình thay đổi bản chất trong bản quy hoạch 1/5.000 và vì thế bản đồ này đang bị cho là thất lạc một cách khó hiểu".

Người dân và cơ quan chức năng hiểu khác nhau

Hơn chục năm nay, các vụ khiếu nại liên quan đến việc bồi thường giải phóng Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn diễn ra. Để phản đối việc thành phố giải tỏa sai ranh quy hoạch, người dân đã nhiều lần tập trung trước UBND Tp.HCM và cả các cơ quan trung ương tại Hà Nội.

Có sự khác nhau trong cách hiểu về tài liệu, chứng cứ quy hoạch dự án giữa người dân và cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại buổi tiếp 63 hộ dân Thủ Thiêm vào giữa năm 2016. Ông Phong đã giao các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, giải quyết.

Tháng 11/2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND Tp.HCM kiểm tra hồ sơ lưu trữ để xác định có bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm kèm Quyết định 367 của Thủ tướng năm 1996 hay không.

Đồng thời, Bộ Xây dựng, UBND Tp.HCM phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên rà soát diện tích đất thu hồi của dân, làm rõ phần đất của dân có thuộc quy hoạch hay không, từ đó đưa ra câu trả lời và giải quyết. Nếu đất nằm trong quy hoạch thì phải bồi thường, tái định cư, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657ha, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1. Khu đô thị này được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của Tp.HCM với các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

Để thực hiện dự án, thành phố đã giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, di dời khoảng 15.000 hộ dân trong suốt 10 năm. Tổng vốn đầu tư để bồi thường, GPMB và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỷ đồng, thành phố cho biết trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2015.

Theo công bố cuối năm 2017, đất mặt tiền đường Trần Não có giá lên đến 170 triệu đồng/m2, những nơi khác là hơn 140 triệu đồng/m2.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME