Không gian tiểu cảnh dưới đây nổi bật bởi bộ bàn ghế tre mây đặt trong khung cảnh mộc mạc của đá, gạch và cây cỏ trông rất nên thơ.  Những chiếc đèn mang hình dáng khối hộp ngộ nghĩnh, vui mắt chiếu những dải sáng hắt giấu sau những khối vuông là một thiết kế rất tinh tế, đưa lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
 
 

 Mảng tường âm của trần được thiết kế mộc mạc với những giò cây nho nhỏ làm mềm mại hơn không gian khu vực trần. Phía xa xa, một quang cảnh sơn thủy hữu tình với những tia nắng cuối chiều vàng rực.

Tuy nhiên, vẫn có một số điều chưa thật hoàn thiện:

Những chiếc đèn mắt trâu trên trần được bố trí chưa thật hợp lý. Chúng thường gắn với những không gian hiện đại, mang tính chiếu sáng thông thường chứ không phù hợp với một không gian mang tính mỹ thuật như thế này. Nên thay những đèn này bằng hệ thống đèn màu được xử lý hợp với khung cảnh hơn.

Góc trái trên của mảng tường gạch đỏ (có ô cửa sổ nhỏ trông ra hồ) gần như tiếp giáp với mảng tường âm của trần gây một cảm giác khó chịu. Cách xử lý trong trường hợp này là cho xây bức tường lùi ra giữa một khoảng hợp lý để tránh góc “chết” đó, không gian sẽ dễ nhìn hơn.

Mảng đường cong khá lớn có diện tích xấp xỉ bằng mảng tường âm trần tạo ra cảm giác tranh chấp về hình khối. Trong một không gian có nhiều hình khối vuông vức, khỏe mạnh như thế này thì sự xuất hiện những đường cong lớn là điều không thật hợp lý. Giải pháp trong trường hợp này là cho trồng những bụi cỏ theo vành cong của đường. Những bụi cỏ này sẽ che khuất một cách mềm mại những đường cong và làm diện tích đường nhỏ đi.
 
 

Tiểu cảnh này sử dụng những khối đá to bằng nhau, đặt với những khoảng cách như nhau cho ta một cảm giác buồn tẻ, rời rạc. Nên bố trí đá với kích thước to, nhỏ hợp lý để tránh tình trạng rời rạc, giúp cho không gian hài hòa hơn.

Không gian tiểu cảnh này bố trí “nằm bệt” xuống nền nhà không có sự lan tỏa, liên kết với không gian xung quanh khiến nó trở lên cô độc và lạc lõng. Ngoài ra, trong nghệ thuật bố trí tiểu cảnh cũng phải tuân theo quy tắc chính, phụ, nghĩa là phải có cụm chính, cụm phụ. Tiểu cảnh này bố trí còn tùy tiện, bừa bộn, chưa có trọng tâm.
 
 

Không gian này có cách bài trí mang đậm sắc thái thiên nhiên. Khối đá núi mộc mạc có cây xanh bám trên sườn in bóng xuống mặt nước phẳng lặng. Những bụi cây nho nhỏ tô điểm thêm sắc thái tự nhiên cho đá núi. Ngoài sân, một bộ bàn ghế được thiết kế đốc đáo từ những gốc cây tự nhiên khá đẹp và ăn nhập với tính chất tự nhiên của tiểu cảnh.

Chậu quất cảnh vàng rực những chùm quả lúc lỉu là sự kết hợp giữa cây tự nhiên và chất liệu sành sứ nhân tạo trở thành cầu nối trung gian chuyển giao tính chất giữa tiểu cảnh và khu vực sân.

Tuy nhiên, tiểu cảnh này vẫn có những điểm chưa thật hợp lý:

Những bức tường với những đường chỉ cầu kỳ mang đậm tính nhân tạo rất không ăn nhập với không gian mộc mạc tự nhiên của tiểu cảnh. Nếu bỏ những đường gờ chỉ đi và tạo sự chuyển giao cần thiết giữa 2 khu vực thì không gian tiểu cảnh này sẽ hợp lý hơn.

Chiếc đèn tường tuy có thiết kế “hình quả” khá hợp với không gian tiểu cảnh, nhưng thực chất vẫn chưa thật chuẩn mực vì tính chất nhân tạo của nó vẫn quá nhiều. Để lấy ánh sáng cho khu vực tiểu cảnh, ta nên “tự nhiên hóa”chúng. Ví dụ, ta có thể cho những bóng đèn được lồng trong những chiếc đèn bằng đá hoặc những bình bằng gốm khoét hình một cách mỹ thuật. Cũng có thể lấy ánh sáng gián tiếp qua hệ thống đèn được giấu sau những khối đá tự nhiên. Làm được những điều trên, chắc chắn không gian tiểu cảnh này sẽ đẹp hơn.
 
Tiền Phương - Thi Cầm

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME