Những lô đất "vàng" Hãng phim truyện Việt Nam đang quản lý
Theo các chuyên gia, nghệ sĩ, điểm sáng duy nhất của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) mà Vivaso nhắm tới là những mảnh đất đắc địa mà VFS đang quản lý.
Sau gần 3 tháng Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), các nghệ sĩ của hãng vừa có đơn kêu cứu. Chiều ngày 19/9, nghệ sĩ của hãng và ban lãnh đạo mới đã có cuộc đối thoại khá căng thẳng, gay gắt.
Tháng 4 năm ngoái, 3,25 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) của VFS đã được bán cho Vivaso với giá 32,5 tỷ đồng. Đến nay, những lùm xùm quanh thương vụ này vẫn chưa có hồi kết.
VFS được ví là “anh cả” của nền điện ảnh Việt. Nhưng khoảng 20 năm gần đây, VFS liên tiếp thua lỗ với số lỗ lũy kế tính đến tháng 9/2014 là gần 40 tỷ đồng. Việc một doanh nghiệp lĩnh vực vận tải thủy kinh doanh bết bát mua cổ phần của một hãng phim thua lỗ triền miên với số tiền nợ phải trả gần 47 tỷ đồng, trong khi thời điểm đó, tổng tài sản chỉ đạt 78,7 tỷ đồng khiến nhiều người nghi vấn rằng thực hiện thương vụ này, Vivaso kỳ vọng điều gì?
Lô đất ở Thụy Khuê là trụ sở chính của VFS |
Theo các chuyên gia, nghệ sĩ, điểm sáng duy nhất của VFS mà Vivaso nhắm tới là những mảnh đất đắc địa VFS đang quản lý theo hình thức thuê đất đang hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc đã được giao đất.
Vào đầu năm 2016, thông tin bán đấu giá cổ phần được công bố lần đầu của VFS cho thấy, thời điểm đó, 4 khu đất tại Hà Nội và Tp.HCM đang được hãng quản lý và sử dụng. 2 trong 4 khu đất được đánh giá là khu đất “vàng” là số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM và số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Diện tích khu đất số 4 Thụy Khuê gần 5.500m2. Dù hợp đồng thuê đất đã hết hiệu lực từ năm 2003 và chưa có hợp đồng mới, nhưng khu đất này vẫn đang được công ty sử dụng làm trụ sở, một phần khác công ty cho thuê lại. VFS và bên thuê đất cũng đã xảy ra tranh chấp, khởi kiện ra tòa nhưng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm.
Khu đất "vàng" tại Thái Văn Lung rộng hơn 1.200m2. Cũng là đất thuê nhưng VFS đang hợp tác với một đơn vị khác để xây 2 công trình tại đây. Trong đó, một công trình cao 4 tầng rộng 74m2 được sử dụng làm văn phòng, phòng nghỉ cho đạo diễn, phòng lồng tiếng, phòng dựng phim... Còn khối nhà 11 tầng trên mảnh đất 1.134m2 đang được cho thuê làm văn phòng. Tuy nhiên, liên quan đến việc quản lý tòa nhà, hãng phim và đơn vị đối tác cũng đã xảy ra bất đồng trước thời điểm cổ phần hóa.
Ngoài ra, hãng còn có khu đất 6.382m2 tại Đông Anh và khu đất 905m2 trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe. Bộ VH-TT&DL đã có công văn giao đất và VFS cũng đang hoàn tất thủ tục pháp lý của 2 tài sản này.
Kể từ khi cổ phần hóa từ cuối tháng 6 đến nay, VFS chỉ có 1 dự án về điện ảnh được đặt hàng từ trước. Theo các nghệ sĩ, diễn viên, nhân sự trong hãng được Vivaso yêu cầu sáp nhập 4 phòng làm một để lấy đất kinh doanh thay vì để làm phim.
Trong một cuộc họp gần đây, một nghệ sĩ chia sẻ, cổ phần hóa là chủ trương đúng nhưng đáng tiếc khi cổ đông chiến lược là đối tượng buôn đất.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái từng khẳng định các khu đất do VFS quản lý trên phố Hoàng Hoa Thám, Thuỵ Khuê không được sử dụng tùy tiện do nằm trong quy hoạch Khu chính trị Ba Đình. Sau khi cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu sử dụng sai mục đích đã cam kết và sẽ kiến nghị ngừng cho thuê đất nếu có sai phạm.
Lãnh đạo VFS cũng thừa nhận, dù "rất giàu" đất đai, nhưng hãng không có giấy tờ sở hữu. Do đó, chỉ có Vivaso chấp nhận các điều kiện Bộ đặt ra trong khi nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đều "một đi không trở lại".
Ngày 16/9, tại cuộc gặp gỡ báo chí, một lần nữa, các nghệ sĩ cho rằng việc định giá hãng là quá thấp, chưa tính đến hàng nghìn m2 đất và giá trị thương hiệu của hãng. Họ cũng nghi ngờ Vivaso mua lại đơn vị với giá rẻ để nhắm đến những mảnh đất có giá trị lớn.
Tại cuộc đối thoại ngày 19/9, Chủ tịch Vivaso Nguyễn Thủy Nguyên đã phủ nhận thông tin này. Ông nói, các mảnh đất của hãng chỉ là đất thuê và thậm chí, hãng còn nợ 21 tỷ đồng. Về lý do mua lại một đơn vị đang nợ và làm ăn thua lỗ, ông Nguyên cho rằng đây là kế hoạch chiến lược của công ty nên không thể tiết lộ.
Được thành lập năm 1953, VFS là hãng phim nhà nước trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Sự phát triển của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng, nghệ thuật. Năm ngoái, việc cổ phần hoá VFS cũng vướng lùm xùm khi thương hiệu gần 60 năm của hãng được định giá 0 đồng. Nhiều nghệ sỹ kỳ cựu vì thế đã rất bức xúc và từ năm ngoái đã cùng ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hoá VFS. Tháng 12/2016, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ VH-TT&DL rà soát lại toàn bộ việc cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, cùng các bộ liên quan xác định giá trị thương hiệu dựa trên bề dày truyền thống, yếu tố lịch sử, nhằm tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Khi đó, Bộ Tài chính cũng được Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất những khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để sát giá thị trường, không gây thất thoát tài sản Nhà nước... |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet