Những “kẽ hở” trong thu hồi đất
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp QH chiều ngày 22/11 về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, ĐBQH vẫn “e ngại” có “kẽ hở” trong quá trình thu hồi đất.
Do đó, tốt nhất nên có cơ chế để cho người dân tham gia vào các dự án này trong khâu thu hồi, đền bù để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Thưa ông, đến thời điểm này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tương thích với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như yêu cầu của các ĐBQH chưa?
Theo tôi, giữa quy định của Điều 53, Điều 54 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 so với Điều 61, Điều 62 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có sự gắn kết chặt chẽ về vấn đề thu hồi đất. Theo lịch làm việc của QH vừa sửa đổi, thời gian thảo luận 2 Dự thảo khá gần nhau. Ngày QH thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cách nhau một hôm. Vì thế khi thảo luận về 2 văn bản quan trọng này để bấm nút thông qua, ĐBQH sẽ có điều kiện xem xét kỹ càng sự tương thích giữa quy định chung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Xung quanh vấn đề thu hồi đất được cụ thể hóa tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Dự thảo Luật Đất đai, (sửa đổi) đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không để văn bản dưới luật điều chỉnh. Tuy nhiên, ĐBQH thì vẫn “e ngại” có “kẽ hở” trong quá trình thu hồi đất. Chẳng hạn quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh tế sẽ do HĐND các địa phương quyết định. Đây là nội dung dễ bị lợi dụng, có thể mang tính chất lợi ích cục bộ địa phương. Do đó, theo tôi, tốt nhất nên có cơ chế để cho người dân tham gia vào các dự án này trong khâu thu hồi, đền bù để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định giá đền bù khi thu hồi đất sát giá thị trường. Nhưng rất nhiều trường hợp nhận tiền xong không thể mua mảnh đất mới có giá trị tương đương. Theo ông, phải làm thế nào để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân?
Theo tôi, trong trường hợp giá đất tại nơi thu hồi tăng sau khi Nhà nước, doanh nghiệp đã đầu tư, thì phải quy định cụ thể việc phân chia phần chênh lệch để bảo đảm quyền lợi của Nhà nước - người dân hoặc doanh nghiệp - người dân. Cụ thể, ít nhất phải bảo đảm cho người sử dụng đất đủ tiền để mua được nơi ở mới.
Thực tế có cả những mảnh đất các địa phương vừa dành cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vừa dành để thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng nên giá đền bù không thống nhất, gây khiếu kiện kéo dài, thưa ông?
Muốn chấm dứt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện như trên, theo tôi, các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định cụ thể. Ví dụ, đối với mục đích an ninh, quốc phòng, thì chỉ có diện tích đất làm nơi đóng quân; căn cứ quân sự; ga, cảng quân sự; xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân mới thực hiện thu hồi đất. Còn doanh nghiệp quốc phòng cần đất sử dụng vào mục đích khác thì dứt khoát phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất, không có chuyện “nhập nhèm” giữa mục đích quốc phòng, an ninh với mục đích khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet