Nhiều vướng mắc quanh quy định về diện tích tối thiểu tách thửa
Nhu cầu tách thửa đất của người dân là chính đáng, cần đáp ứng. Tuy nhiên, các quận huyện trên địa bàn Tp.HCM đều phản ánh việc giải quyết hồ sơ vẫn chậm chạp, chưa đáp ứng đúng với nhu cầu, khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân của thực trạng này là do một số quy định chưa rõ ràng...
Chiều 29/3 đã diễn ra cuộc họp giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM và các sở ngành, quận huyện để sơ kết công tác tách thửa theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND Tp.HCM; Công văn hướng dẫn số 914 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cuộc họp cũng nhằm nghiệm thu hệ thống cơ sở hạ tầng đối với trường hợp tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Tại cuộc họp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo, 10 quận huyện đã giải quyết tổng 2.467 hồ sơ theo Quyết định 60. Trong đó có 2.240 hồ sơ giải quyết tách thửa đất ở không hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, chiếm tỉ lệ 90,8%; 157 hồ sơ hồ sơ giải quyết tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật chiếm tỉ lệ 7,6%; 42 hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ 1,7%.
Cũng theo báo cáo của Sở, tính đến ngày 31/12/2018, Sở nhận được 79 hồ sơ tách thửa có hình thành đường giao thông. Trong số này có 65 hồ sơ khu đất có chức năng phù hợp với Quyết định 60.
Các quận huyện cũng phản ánh, nhu cầu tách thửa của người dân là chính đáng, song thời gian qua việc giải quyết hồ sơ vẫn khá chậm trễ, chưa đúng nhu cầu, khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu rõ ràng ở một số quy định. Chẳng hạn, theo Quyết định 60, người dân được phép tách thửa nếu thửa đất thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang. Tuy nhiên hiện nay, các quy hoạch điểm dân cư nông thôn lại có các loại đất như đất ở kết hợp sản xuất, đất vườn…
Quy định về diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Tp.HCM vẫn còn
nhiều bất cập. Ảnh minh họa: SGĐT
Một ví dụ khác, Luật Quy hoạch đô thị có nêu quy định, đối với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thì mỗi 5 năm kể từ ngày phê duyệt quy hoạch, cơ quan tổ chức mới tiến hành rà soát. Kết quả sẽ là cơ sở xem xét điều chỉnh quy hoạch nếu đủ điều kiện. Vì vậy, các địa phương đề nghị Quyết định 60 làm rõ về thời điểm “3 năm kể từ ngày rà soát quy hoạch này” là rà soát theo Luật Quy hoạch hay Luật đất đai?
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12 đề xuất, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại các khu đất xen trong khu dân cư hiện hữu mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, trường hợp này nên giao cho quận huyện tự quyết định xem xét cho tách thửa và chịu trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND quận 9 Hoàng Minh Tuấn Anh cũng nêu quan điểm: “Quyết định 60 quy định, trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất đất nông nghiệp và không thuộc khu vực đất để thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 49, Luật Đất đai”.
Vậy nhưng Điều 49 Luật Đất đai 2013 lại không có quy định quyền tách thửa. Theo đó, luật chỉ quy định các quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế… Nghĩa là, trong trường hợp người sử dụng đất không lập thủ tục tách thửa mà lập thủ tục chuyển nhượng, tặng cho một phần đất thì không thể xác định người đó có được phép tách thửa hay không, và hạn mức như thế nào?
Sau khi đưa ra thắc mắc trên, đại diện UBND quận 9 cũng mong muốn Sở Tài nguyên - Môi trường sớm có văn bản phúc đáp đối với văn bản 854 ngày 27/3/2018 của UBND quận 9 về trường hợp tách thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực không phù hợp với sản xuất nông nghiệp.
Tại cuộc họp, cũng có nhiều ý kiến đề nghị phải giám sát chặt chẽ việc tách thửa đối với những thửa đất có diện tích lớn. Đặc biệt là về đầu tư hạ tầng, đảm bảo đường giao thông, cây xanh… Với một số khu vực, có thể yêu cầu buộc phải lập quy hoạch 1/500.
Phản hồi các ý kiến trên, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP cho biết, quá trình tách thửa phải đảm bảo quy chuẩn, phù hợp quy hoạch, kết nối với hạ tầng xung quanh. Sở không quan tâm đến mục đích tách thửa là để kinh doanh hay để ở, nhưng phải đảm bảo điều kiện.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết: "UBND TP rất quan tâm đến vấn đề này, qua ghi nhận người dân cũng rất bức xúc vì thời gian qua còn nhiều khó khăn, hồ sơ chậm được giải quyết. Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở TN-MT sẽ lắng nghe để tiếp tục hoàn chỉnh, vấn đề nào chưa rõ sẽ căn cứ theo chỉ đạo của UBND TP. Trước mắt sẽ tập hợp ý kiến phản ánh từ các quận huyện và đề nghị các địa phương đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn đang tồn tại, sau đó sở sẽ báo cáo UBND TP xem xét giải quyết."
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet