Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS) vừa đưa ra đánh giá chung về diễn biến của thị trường bất động sản thời điểm hiện tại. Theo đó, thị trường căn hộ chung cư bắt đầu giảm giá trước áp lực dư cung, trong khi phân khúc đất nền đang chững lại và một vài nơi có dấu hiệu giảm giá mạnh. Xu hướng trong năm 2011 là sự dịch chuyển từ phân khúc hạng cao cấp sang phân khúc trung cấp (Indochina Land, CapitalLand, Posco, Vihajico…). Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng đã bắt đầu hướng vào nhu cầu thực của khách hàng cuối.

Đưa ra phân tích về thực trạng hiện tại, biểu hiện rõ nét của áp lực dư cung là các hoạt động marketing nhiều hơn của các dự án, hoạt động chiết khấu bán hàng của chủ đầu tư (Vihajico chiết khấu 12% cho khách hàng mua căn hộ Ecopark 3 ngày trong tháng 4, mới đây lại tiếp tục chiết khấu 10%). Ngoài ra, một số công ty đã bỏ các hình thức điều chỉnh giá (Vincom đưa ra chính sách bỏ điều chỉnh giá trị thanh toán theo biến động của CPI đối với các hợp đồng mua bán căn hộ tại Times City)…

Tháng 3/2011, Ngân hàng Nhà nước quy định khống chế chỉ tiêu dự nợ cho vay phi sản xuất (bao gồm bất động sản và chứng khoán) đến cuối tháng 6/2011 là 22% tổng dư nợ và giảm còn 16% tổng dư nợ vào cuối năm 2011. Công ty Chứng khoán Tràng An cho rằng, với quy định này, nguy cơ đổ vỡ tín dụng bất động sản bắt đầu được nhìn nhận và kiểm soát hơn. Tuy nhiên, tính minh bạch của thông tin và khả năng chống chịu rủi ro vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại.

Những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản đã ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch của các cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là trong khoảng 1 tháng qua, cổ phiếu bất động sản đã trở nên ế ẩm.

Giá của hầu hết các cổ phiếu bất động sản đã giảm khoảng 30% trong vòng 1 tháng qua. Mặc dù điều này một phần do bối cảnh chung của thị trường, nhưng chính sự rớt giá của các cổ phiếu bất động sản (phần lớn là những cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn) cũng là tác nhân làm cho thị trường đi xuống.

Trong vòng 1 tháng qua, giá của “đại gia” Vinaconex (VCG) đã giảm từ mốc 22.000 đồng/cổ phiếu xuống hiện chỉ còn khoảng hơn 14.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu LGL của Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang giảm từ khoảng 14.000 đồng xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu CII của Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM giảm từ mức 36.000 đồng/cổ phiếu xuống còn hơn 26.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giảm từ mốc khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn khoảng dưới 30.000 đồng/cổ phiếu…

Mức giảm của nhiều cổ phiếu bất động sản như trên mạnh hơn khá nhiều so với tốc độ giảm giá chung của thị trường, kể cả trong bối cảnh thị trường đổ dốc thời gian gần đây.

Lý giải về tình trạng cổ phiếu bất động sản giảm sâu hơn so với mặt bằng chung của thị trường, các nhà phân tích cho rằng, giới đầu tư đã dự đoán được về tình hình kinh doanh khó khăn của các công ty bất động sản trong năm 2011. Theo đó, các dự án rất khó triển khai do hạn chế dòng vốn từ các ngân hàng, trong khi đó, những chủ đầu tư có thể tiếp cận vốn cũng phải gồng mình chịu mức lãi suất rất cao.

Công ty Chứng khoán Tràng An cho rằng, do thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có bất động sản, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này đã lên tới 26%/năm. “Nếu CPI không nhanh chóng hạ nhiệt, khả năng tăng dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn. Khi đó, lĩnh vực bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng sâu rộng hơn”, TAS đưa ra phân tích.

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, thời điểm này chính là cơ hội mua vào cổ phiếu của các đại gia bất động sản với giá tốt, bởi khi “cơn bão” qua đi, thì rất có thể, ngành bất động sản lại trở thành những “cỗ máy in tiền” như nó đã từng thể hiện trong những thời kỳ trước đây.


(Theo Dautu)


- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME