Nhiều người nguy hiểm tính mạng vì nhà vướng chuồng cọp
Mới đây, một cậu thanh niên 19 tuổi thấy đám cháy ở tầng 1 liền chạy lên tầng 2 tìm lối thoát nhưng ban công đã bị quây lồng sắt thành chuồng cọp bít kín.
Theo lời kể của chị Mai Hương, phố Cao Thắng, phường Yết Kiêu, Hà Nội, sáng 10/12, chị thấy khói bốc lên từ căn nhà 2 tầng nằm sát vách tiệm may nhỏ của chị. Nam, cậu thanh niên trong nhà liền chạy ra ban công tầng 2 để hít thở.
Để cứu Nam, người dân bắc thang leo lên cắt song sắt chuồng cọp, nhưng do khung sắt quá kiên cố nên không cắt được. Trong khi đó, một nhóm người khác dùng xà beng đập cửa ở tầng một, dập tắt đám cháy. Rất may mọi người vào kịp thời đưa cậu thanh niên bị ngạt khói đi cấp cứu.
Được biết vụ cháy sau đó đã được dập tắt kịp thời, không có nhiều thiệt hại. Đại diện UBND phường Yết Kiêu cho biết, nguyên nhân xảy ra cháy là do chủ nhà sạc pin xe đạp điện để qua đêm, gây nổ.
Người dân phố Cao Thắng, phường Yết Kiêu, Hà Đông, bắc thang
phá "chuồng cọp" ở căn nhà bị cháy. Ảnh: Kienthuc.net.vn.
Thực tế, từ trước tới nay Hà Nội đã có nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nặng mà một phần nguyên nhân là do các "chuồng cọp" kiểu này.
Chẳng hạn, tháng 9/2017, một gia đình ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ bị cháy. Gia chủ vội vàng lao ra ban công tầng 3 tìm lối thoát nhưng vướng chuồng cọp. Cảnh sát sau đó phải dùng bình cứu hoả phá song sắt, nhờ đó mới cứu được 5 người ra ngoài.
Kém may mắn hơn, đám cháy ở phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) đã cướp đi tính mạng của hai mẹ con hồi tháng 7 vừa qua. Người dân kể lại, dù thấy cánh tay bà mẹ với ra ngoài khung sắt quây kín lan can nhưng không thể cứu kịp.
Đại tá Tô Mạnh Thắng, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy (Cảnh sát PCCC Hà Nội), cho biết, không chỉ là nơi lấy ánh sáng, khí trời, ban công cũng chính là một lối thoát nạn khi xảy ra hoả hoạn. Tuy nhiên, để ngăn ngừa trộm cắp, đảm bảo an toàn hoặc ăn gian thêm diện tích, nhiều gia đình đã quây khung sắt kiên cố tạo thành "chuồng cọp". Kiểu bố trí này vừa sai thiết kế theo quy định vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Theo ông Thắng, khi có cháy nổ xảy ra cần ứng cứu rất nhanh, trong khi thao tác cắt, tháo khung sắt lại mất nhiều thời gian nên có thể làm lỡ cơ hội cứu người. Với những ngôi nhà vướng chuồng cọp, nếu hỏa hoạn xảy ra thì tỷ lệ chết người cao hơn gấp nhiều lần so với nhà có ban công để thoáng.
Ông Thắng cho biết thêm, hiện trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều chung cư cũ, nhà liền kề xây dựng kiểu tự phát có chuồng cọp như vậy. Ông Thắng khuyên, các gia đình tốt nhất không nên bịt kín các ban công, logia bằng sắt cố định kiểu chuồng cọp để đảm bảo an toàn và tính mạng của mình. Trường hợp đã lắp rồi, nên phá bỏ hoặc cắt khung sắt thành cửa để có thể thoát ra ngoài khi cần, chìa khoá của cửa này nên treo ở nơi dễ thấy.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet