Căn hộ dịch vụ: Cầu tăng, công suất thuê vẫn thấp

Thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong những tháng đầu năm chứng kiến một nghịch lý khó hiểu là nguồn cầu tăng mạnh nhưng công suất thuê vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo Savills, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, hơn nữa, lượng khu công nghiệp tại các thị trường vệ tinh của Hà Nội cũng tăng mạnh. Điều này kéo theo sự gia tăng của lượng chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc, đồng nghĩa với nguồn cầu căn hộ dịch vụ cũng gia tăng.

Cùng với đó, nguồn cung phân khúc này trong quý II đã giảm khoảng 100 căn so với quý I. Cầu tăng, cung giảm, thế nhưng công suất thuê vẫn chỉ duy trì ở mức 88%, dậm chân trong suốt một năm qua, không đạt được mức 90% hoặc cao hơn như nhiều năm trước.

Về nghịch lý này, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu - Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, do căn hộ dịch vụ thiếu sự linh hoạt về diện tích so với loại hình căn hộ thông thường. Cùng một khoảng diện tích, nếu căn hộ dịch vụ có 1-2 phòng ngủ thì căn hộ thông thường lại có 2-3 phòng ngủ, trong khi giá cho thuê lại cao hơn, vì thế căn hộ dịch vụ khó cạnh tranh được với rất nhiều loại hình căn hộ đang phát triển đa dạng trên thị trường hiện nay.

Căn hộ Tp.HCM: Sức mua giảm nhưng giá vẫn leo thang

Vốn là phân khúc luôn dẫn đầu về giao dịch nhưng bước sang năm 2018, sau khi liên tiếp xảy ra những vụ tranh chấp, khiếu kiện, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư Carina, lượng mua căn hộ tại Tp.HCM đã giảm rõ rệt. Theo số liệu của CBRE, nguồn cung và lượng giao dịch căn hộ tại Tp.HCM trong quý II/2018 đã giảm khá sâu, đặc biệt là tháng cuối quý. Lượng căn hộ chào bán mới đạt 6.109 căn, giảm 36% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 6.947 căn, giảm 25% so với quý trước và giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

thị trường căn hộ
Giá căn hộ tại Tp.HCM vẫn leo thang dù sức mua giảm

Tuy nhiên, một nghịch lý là dù người mua có quay lưng, giao dịch giảm nhiệt nhưng giá căn hộ vẫn tăng đều qua các quý, thậm chí được dự báo có thể tăng mạnh vào cuối năm. Nghiên cứu của JLL cho thấy, giá bán sơ cấp căn hộ tại Tp.HCM tăng khoảng 2,6%, giá thứ cấp tăng 1,7% trong quý II. Trước đó, dù giao dịch khá tốt, giá bán quý IV/2017 chỉ tăng khoảng 0,5-1%.

Nhà ở xã hội: Khan hiếm nhưng vẫn “ế hàng”

Thời gian qua, phân khúc nhà ở xã hội vốn dành cho người thu nhập thấp dù không có nhiều sản phẩm được tung ra thị trường nhưng vẫn rơi vào cảnh “ế hàng”. Có những dự án mở bán đến hàng chục lần nhưng lượng người mua vẫn rất thấp. Đơn cử như một dự án tại quận Hà Đông (Hà Nội), vì lượng hồ sơ đăng ký mua quá ít nên chủ đầu tư đã tung ra chương trình hỗ trợ lãi suất 5%. Tuy nhiên, tình hình bán hàng vẫn không được cải thiện. Giữa năm 2017, chủ đầu tư dự án này tung ra 542 căn hộ nhưng chỉ có 3 hồ sơ mua gửi lên Sở Xây dựng Hà Nội.  

Đáng chú ý là lượng nhà ở xã hội được khởi công rất ít. Trong năm 2017, chỉ có 3 dự án được mở bán là nhà ở xã hội Tam Trinh (Hoàng Mai), Kiến Hưng (Hà Đông) và Minh Khai (Hai Bà Trưng). Và sang năm 2018, cũng không có thêm nhiều dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp được xây dựng.

Nghịch lý nhà ở xã hội dù nguồn cung khan hiếm nhưng vẫn “ế hàng” xảy ra được cho là do đa phần các dự án đều nằm ở ngoại thành, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.

Phùng Dung (TH)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME