Nhiều hệ lụy từ việc chạy tiến độ bàn giao nhà
Do trong hợp đồng mua bán có điều khoản phạt chủ đầu tư nếu chậm bàn giao nhà, nên nhiều chủ đầu tư đã tìm mọi cách đẩy nhanh công tác thi công nhằm bàn giao nhà đúng hẹn. Thế nhưng, việc chạy tiến độ này lại phát sinh nhiều hệ lụy, tranh chấp và khiếu kiện khi bàn giao nhà.
Nhiều dự án chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy đã bàn giao nhà và cho cư dân vào ở. Ảnh: Dũng Minh |
Trước đây, nhiều khách hàng mua nhà rất bức xúc trước việc chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao nhà, tuy nhiên khách hàng không thể phạt và khó kiện chủ đầu tư do trong hợp đồng không có điều khoản này.
Trong khi khách hàng chỉ cần chậm nộp tiền 1 ngày cũng bị chủ đầu tư phạt tiền, chậm nộp một thời gian nhất định thì chủ đầu tư đòi hủy hợp đồng và không hoàn trả tiền đã nộp.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, khi xây dựng sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, những quy định về bảo lãnh tiến độ, về cam kết bàn giao đúng tiến độ đã được bổ sung. Hợp đồng mua bán đã có điều khoản phạt trở lại chủ đầu tư nếu chậm bàn giao.
Với những thay đổi trên, thị trường bất động sản gần đây lại phát sinh tình trạng bàn giao chạy tiến độ của nhiều chủ đầu tư. Theo đó, nhiều dự án còn ngổn ngang, chủ đầu tư đã phát thông báo bàn giao. Khi nhận nhà, người mua đã rất thất vọng, bởi thực tế tổ ấm tương lai không được như quảng cáo của chủ đầu.
Đơn cử, tại Dự án CT1 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), chủ đầu tư đã bàn giao khi chưa xong hạ tầng, chưa có đấu nối điện khiến cư dân bức xúc. Dự án Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ đầu tư đã thông báo bàn giao nhà trong khi hầm để xe chưa hoàn thiện, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu, thang máy chưa có nút bấm, dự án vẫn còn tiếp tục thi công...
Hay mới đây, một dự án ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu tiến hành bàn giao nhà, tuy nhiên quá trình nhận bàn giao, khách hàng phát hiện một số hạng mục không đạt tiêu chuẩn cam kết như tường bị thấm, sàn gỗ cong vênh,... Khi việc bàn giao vẫn đang tiếp tục thì đơn vị quản lý vận hành tòa nhà thông báo, nếu hộ nào không hoàn thiện việc sửa chữa đúng thời hạn sẽ bị thu phí, khiến nhiều cư dân bức xúc.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định thì công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định. Và để được nghiệm thu hoàn thành công trình, cần phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phòng chống cháy, nổ; an toàn vận hành; an toàn môi trường theo quy định.
Theo luật sư Chi, bản chất bàn giao là bên mua nghiệm thu sản phẩm, nên khách hàng cần kiểm tra kỹ điều kiện chung của công trình cũng như các vấn đề riêng của từng căn hộ trước khi ký nhận bàn giao. Về điều kiện chung của công trình, phải xem xét các yếu tố như: Nghiệm thu phong cháy chữa cháy, hạ tầng, cấp thoát nước, đấu nối hệ thống điện đã thi công đầy đủ chưa... Trong căn hộ cần kiểm tra về diện tích, đối chiếu thiết kế với thi công, xem xét vật liệu, sơn nhà, sàn gỗ,…
"Trong trường hợp khách hàng nhận thấy chất lượng căn hộ bàn giao không đảm bảo, không đúng với thiết kế, với thỏa thuận trong hợp đồng, thì không nên ký biên bản bàn giao. Tuy nhiên, khi không ký biên bản bàn giao thì khách hàng cũng cần nêu rõ lý do vì sao chưa ký nhận, nếu không chủ đầu tư phạt hợp đồng và có thể cho là khách hàng cố tình gây cản trở", Luật sư Chi nhấn mạnh.
Đồng thời, khách hàng cũng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ hoàn công của căn hộ với xác nhận của 3 bên, bao gồm khách hàng; đơn vị thi công, tư vấn giám sát và chủ đầu tư. Quá trình thi công nội thất nếu có vấn đề gì chủ đầu tư và khách hàng sẽ căn cứ vào hồ sơ này để xem xét trách nhiệm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet