Nhiều địa phương đề xuất được chủ động quyết dự án sân golf
Với mục đích phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận nhiều cơ chế vượt cấp, vượt quyền, chẳng hạn lấy thêm đất lúa để làm sân golf, khu công nghiệp.
Chính phủ đã đưa ra những quy định cụ thể để siết chặt tình trạng “lấy đất lúa làm sân golf, khu công nghiệp”. Mới đây, trong cuộc họp ngày 3/7 giữa Chính phủ với các địa phương, vấn đề này lại được khơi lại.
Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đối với nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương được chủ động giải quyết. Cụ thể, vị này kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương làm dự án sân golf tại nơi không có đất rừng, đất lúa nhằm đẩy nhanh các dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Ông cũng đề nghị giao các thành phố lớn không cần xin ý kiến Thủ tướng khi chuyển đổi trên 10ha đất lúa sang thực hiện dự án phát triển công nghiệp.
Nhiều địa phương xin “lấy” đất lúa để làm sân golf
Cũng đưa ra kiến nghị tương tự là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu. Theo ông Châu, đối với đồng bằng sông Cửu Long, diện tích 10ha lúa là quá nhỏ. Do đó, vị này kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội giao quyền chủ động chuyển đổi cho địa phương, đảm bảo diện tích trồng lúa tối thiểu.
Cũng theo đề nghị của lãnh đạo Hải Phòng, đối với các tỉnh thành phố có điều kiện phát triển công nghiệp, không khống chế diện tích đất lúa để tập trung diện tích đất phát triển công nghiệp.
Trên địa bàn cả nước hiện có 45 sân golf. Trong đó, sau khi bị Chính phủ siết lại từ năm 2012 đến nay, nhiều sân golf phải tạm dừng dù đã có trong quy hoạch.
Một vướng mắc mà nhiều địa phương gặp phải là việc sử dụng quỹ đất thanh toán cho các nhà đầu tư làm dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng). Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phân tích, Nghị quyết của Chính phủ mới đây quy định, nếu dự án đã ký hợp đồng trước ngày 1/1/2018, các địa phương được sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Nhưng việc xử lý giao đất hay không giao đất đổi hạ tầng cho các dự án ký sau thời điểm này lại không được đề cập trong Nghị quyết. Do đó, Hải Phòng và nhiều địa phương không có cơ sở pháp lý để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Ông Tùng nói: “Nếu chậm thanh toán thì địa phương phải chịu một phần lãi vay cho dự án như các hợp đồng đã ký”.
Đề xuất lên Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng cần cho phép các dự án đầu tư công đã được phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ Quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ dự án... Nhằm giải quyết những vướng mắc còn tồn tại hiện nay, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan về đầu tư, đấu thầu, nhà ở, đất đai…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet