Mức cao nhất không quá 81 triệu đồng/m2

Theo UBND Hà Nội, năm 2011, một số vị trí, khu vực có biến động tăng nhưng giá trị không lớn, cá biệt có khu vực giá giảm. Từ đầu quý 4 đến nay, lượng giao dịch thành công thấp, giá nhà đất giảm 5-10% so với cuối 2010 và đầu 2011. Giá bất động sản trên địa bàn TP chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Tờ trình mức giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội năm tới cơ bản giữ nguyên như năm 2011 và chỉ điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí, tuyến đường, phố mới hình thành, có vị trí thuận lợi và khu vực phát triển quy hoạch đô thị chung của TP.

Hầu hết các mức giá đất trên địa bàn TP đã quy định ở mức 20% - mức vượt khung Chính phủ quy định.

Giá đất ở thuộc các quận giữ giá tối thiểu là 2,34 triệu và tối đa 81 triệu đồng/m2 như năm 2011. Đất ở các trục ven đầu mối giao thông có giá 11.250.000 đồng/m2, giá đất ở khu dân cư nông thôn có giá cao nhất là 2.250.000 đồng/m2.

Giá đất tại các thị trấn của một số huyện (trừ Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín) được tính giảm dần theo khoảng cách với trung tâm, tối thiểu 750.000 đồng, tối đa 8.040.000 đồng/m2; các phường của thị xã Sơn Tây 1.584.000 đến 16.700.000 đồng/m2.

Thị trấn thuộc các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phương, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh tối thiểu 1.920.000 đến 27.600.000 đồng/m2. Giá đất ở khu vực các xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Hoài Đức giáp ranh với các quận có hạ tầng tốt được điều chỉnh 2.035.000 đến 32.400.00 đồng/m2...

Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp được quy định bằng 45% đến 75% giá đất cùng vị trí đường, phố.

Giá đất nông nghiệp tại các huyện cao nhất là 201.600 đồng/m2 với đất trồng cây hàng năm, lâu năm; 162.000 đồng/m2 với đất nuôi trồng thủy sản. Tại các phường thuộc quận cao nhất là 252.000 đồng/m2.

Nhiều bức xúc và kiến nghị quanh bảng giá đất Hà Nội | ảnh 1
Cử tri Hà Nội vẫn kiến nghị giá đất cần sát với giá thị trường hơn (Ảnh: T.Linh)

Nhiều bức xúc về đất đai, xây dựng

Trong khi đó, các vấn đề về xây dựng, bồi thường đất đai vẫn tiếp tục là vấn đề nóng và trước kỳ họp HĐND, hàng loạt ý kiến cử tri đã gửi về mong chờ sự giải đáp.

Theo cử tri huyện Phúc Thọ và Cầu Giấy, hiện nay giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thổ cư ở nông thôn còn thấp, chưa sát thực tế, chỉ có 252.000đồng/m2. Được biết, trong Tờ trình ra HĐND TP, giá đất nông nghiệp cao nhất vẫn là 252.000 đ/m2 và theo lý giải mức giá này đã vượt khung quy định tối đa của Chính phủ 20%.

Các cử tri đặt câu hỏi, TP căn cứ vào cơ sở nào để đưa ra mức giá đền bù như trên và đề nghị khi đưa ra quyết định định giá đất thì cần lấy ý kiến của nhân dân. Đồng thời, TP có chính sách giá đền bù phù hợp hơn, sát với giá thị trường để nhân dân đỡ thiệt thòi.

Loại hình đất xen kẹt hiện nay cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm. Vẫn theo cử tri huyện Phúc Thọ, thủ tục thu hồi đất xen kẹt trong khu dân cư đối với các huyện ngoại thành còn phức tạp. Cử tri huyện này đề nghị, sau khi có ý kiến thỏa thuận của Sở Quy hoạch Kiến trúc, đề nghị TP phân cấp triệt để cho huyện trong việc tổ chức thu hồi đất với diện tích đất xen kẹt không quá 5.000 m2 phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm đông đảo của cử tri. Tháng 3/2011, UBND TP đã ban hành văn bản tạm dừng việc chuyển đổi đất ao, vườn, đất nông nghiệp sang đất thổ cư. Cử tri quận Long Biên đề nghị TP cho biết việc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến khi nào và chủ trương của TP có cho tiếp tục thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thổ cư nữa hay không? Đồng thời giải pháp xử lý đối với những hồ sơ chuyển đổi đã nộp trước ngày 01/3/2011 nhưng phải tạm dừng thực hiện theo chỉ đạo của TP như thế nào?

Trong khi đó, tình trạng lãng phí trong đầu tư diễn ra ở nhiều nơi, cử tri các quận Tây Hồ, Thanh Oai, Mê Linh lên tiếng về nhiều công trình thi công dở dang, tiến độ chậm, vật tư để bừa bãi; một số công trình vỉa hè vừa làm xong đã phải đào lên làm lại; nhiều công trình nhà chung cư cao cấp, khu thương mại, văn phòng cho thuê chưa khai thác hết, trong khi đó các công trình dân sinh bức thiết như trường học, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời đề nghị TP có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Cũng liên quan tới nội dung này, cử tri Hoài Đức đề nghị TP xem xét điều chỉnh và quy định lại việc thực hiện nguồn vốn đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản do tình trạng thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản rất lớn. Theo cử tri ở địa phương này, nhiều nhất là các khoản chi ngoài việc xây dựng, kinh phí thực để xây dựng chỉ đạt khoảng 65-70% tổng mức đầu tư, còn lại khoảng 30% kinh phí dành cho việc lập dự án, tư vấn, thiết kế và nhiều khoản chi khác, như vậy rất lãng phí cho ngân sách nhà nước./.

(Theo Tổ quốc)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME