Nhà ở giá rẻ cho công nhân vẫn là bài toán khó!
Để cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công nhân, từ nay đến năm 2020, Tp.HCM cần xây dựng 240.000 chỗ ở mới. Đây là thách thức không nhỏ bởi nhà ở dành cho công nhân không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Hiện nay, Tp.HCM có khoảng 17 khu chế xuất và khu công nghiệp, 01 khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp, thu hút khoảng 370.000 công nhân. Khảo sát gần đây của các ngành chức năng cho thấy, có khoảng 70% trong tổng số công nhân đang có nhu cầu về nhà ở, nhà lưu trú, tuy nhiên số lượng nhà lưu trú được đầu tư xây dựng đến nay chỉ mới đáp ứng khoảng gần 40.000 chỗ ở (đạt 15% nhu cầu).
Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM cho biết, mỗi năm, lượng công nhân tăng trung bình 2%/năm, đến năm 2020 dự báo thành phố sẽ có trên 400.000 công nhân. Như vậy, với tỷ lệ 70% có nhu cầu về nhà ở, nhà lưu trú, từ nay đến năm 2020 thành phố phải xây dựng hàng trăm nghìn chỗ ở nữa mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Thực tế, nhu cầu nhà ở dành cho công nhân tại Tp.HCM đang rất bức thiết. Cách đây nhiều năm, thành phố có hẳn một chương trình cấp bù lãi vay để đầu tư nhà lưu trú cho công nhân. Song ngân sách dành cho chương trình có hạn, trong khi thủ tục phức tạp khiến các doanh nghiệp không mấy hứng thú. Bởi vậy, số lượng nhà được xây dựng vẫn khá khiêm tốn dù thành phố đã rất cố gắng đưa chương trình đi vào thực tiễn.
Tp.HCM khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân |
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, cơ quan này đã đề ra kế hoạch đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, thành phố sẽ phê duyệt cho các doanh nghiệp đầu tư 8 dự án nhà lưu trú, cung cấp thêm khoảng 31.000 chỗ ở. Dù vậy, việc đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân vẫn là bài toán khó.
"Một trong những khó khăn hiện nay là công tác quy hoạch. Mặc dù nhiều khu chế xuất và khu công nghiệp được xây dựng tập trung nhưng lại không chú ý đến quy hoạch quỹ đất cho xây dựng nhà ở. Trong khi đó, xung quanh các khu chế xuất và khu công nghiệp thường thiếu quỹ đất sạch nên rất khó kêu gọi đầu tư", ông Tuấn cho biết.
Vừa qua, lãnh đạo Tp.HCM cũng đã tham quan nhà ở 100 triệu đồng của Bình Dương để học tập cách làm. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Tp.HCM, với đặc thù của Tp.HCM, việc xây nhà giá 100 triệu đồng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, thành phố vẫn sẽ ưu tiên và mức giá mà thành phố có thể đầu tư xây dựng thấp nhất khoảng 300 triệu đồng/căn, cao nhất khoảng 500 triệu đồng/căn.
Để thực hiện mục tiêu trên, hiện thành phố đang rà soát quỹ đất, ưu tiên quỹ đất sạch gần các khu chế xuất và khu công nghiệp để xây dựng nhà giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân. Đồng thời, thành phố sẽ đưa ra mức giá linh hoạt, vừa phù hợp với nhu cầu và túi tiền của công nhân, vừa bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, để đa dạng hóa các phương thức tạo lập nhà ở, Tp.HCM cần áp dụng đồng thời 2 mô hình: Mô hình nhà ở xã hội cải tạo tập trung và mô hình nhà ở xã hội xây mới. Theo TS.KTS Ngô Lê Minh, thành phố cần sớm có chính sách rõ ràng để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhà ở xã hội dành cho công nhân, hạn chế tối đa những khó khăn về thủ tục và rào cản như đầu tư nhà ở thương mại.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho hay, chủ đầu tư cần thực hiện 3 thủ tục sau để được cấp phép xây dựng nhà ở xã hội: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép với thời gian ít nhất 75 ngày. Nhằm đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian, Tp.HCM đang thí điểm thực hiện 3 thủ tục trên ở bộ phận “một cửa” và chỉ nộp 1 lần, rút ngắn thời gian hoàn tất hồ sơ còn 42 ngày. Ngoài ra, thành phố sẽ xem xét chính sách nới rộng thời hạn vay tiền và số tiền vay phải trả hằng tháng xuống mức thấp nhất, khoảng 25% tổng thu nhập của người vay mua nhà.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet