Nhà mỏng méo ở Hà Nội: Đã không xử lý được lại còn phát sinh thêm?
Hạn chót để xóa bỏ những căn nhà, công trình xấu xí ấy là 30/6, tuy nhiên chủ trương trên lại đang tắc ở khâu thực hiện. Có thể thấy Hà Nội vẫn...bất lực, dù đã ý thức rõ rằng, những căn nhà này ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị Thủ đô.
Thu xong làm gì?
Thanh Xuân là quận được thành phố chọn làm điểm thực hiện việc xử lý nhà mỏng, méo. Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã nhiều lần xuống dự họp và có chỉ đạo cụ thể cho quận việc giải quyết các trường hợp vi phạm. Trên thực tế, quận Thanh Xuân cũng đã tiến hành thu hồi, phá dỡ nhiều công trình mỏng, méo trên địa bàn.Dù thành phố đã có chủ trương dỡ bỏ nhưng đường 32 vẫn có những căn nhà mỏng, méo. Ảnh: Quốc Hưng |
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi chiều 30/6, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: "Trong số 71 trường hợp vi phạm, chúng tôi đã xử lý được 30 trường hợp. Số còn lại quận đã gửi thông báo đến chủ đầu tư. Theo quy định sau 30 ngày chủ đầu tư không thực hiện thì quận sẽ tiến hành cưỡng chế".
Cũng theo ông Thái, trong quá trình xử lý, quận Thanh Xuân đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử việc sau khi xử lý xong các trường hợp vi phạm, phần diện tích bị thu hồi cũng rất khó giải quyết. Ông Thái băn khoăn: "Những diện tích này quá nhỏ, làm ki ốt hay để trồng cây xanh cũng không hợp lý, còn để không thì mất mỹ quan, dễ bị tái lấn chiếm".
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ngã tư đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi và trên đường Khuất Duy Tiến có một số công trình thuộc diện siêu mỏng, siêu méo nhưng hiện đang được chủ đầu tư hoàn thiện. Ông Thái cho biết, sẽ cho lực lượng thanh tra xây dựng kiểm tra ngay.
Phát sinh 131 trường hợp
Phát hiện việc "hợp khối giả" Ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc phát sinh thêm nhà siêu mỏng, siêu méo là do trong quy định mới, thành phố thay đổi các tiêu chuẩn so với trước đây. Bên cạnh đó,còn một số huyện do mở đường nên nhà siêu mỏng, méo cũng phát sinh ( ví dụ đường 32 tại huyện Từ Liêm và Hoài Đức). |
Tính đến ngày 15/6, Hà Nội có hơn 660 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện xây dựng, trong đó có 131 trường hợp phát sinh sau Quyết định số 15 của UBND TP Hà Nội về quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng, so với báo cáo 3 tháng trước đó.
Cụ thể, huyện Từ Liêm là nơi phát sinh nhiều nhất số trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo, thêm 66 trường hợp; Hoài Đức phát sinh 36 trường hợp; Quận Ba Đình phát sinh 27 trường hợp; Quận Tây Hồ phát sinh 14 trường hợp...
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay các quận, huyện mới thực hiện được việc thống kê phân loại đề xuất hướng xử lý. Việc thông kê vẫn đang tiếp tục do có phát sinh số liệu so với số liệu thời điểm tháng 3/2011 trở về trước. Ông Thọ cho rằng, việc chậm chễ như trên là do phải tuân thủ các điều kiện đã nêu tại Quyết định số 15/2011 và các tiêu chí về quy chuẩn, cảnh quan để vận dụng lập phương án cho hợp khối công trình.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu, với các trường hợp phát sinh sau khi có Quyết định số 26 (Quyết định số 26/2005/QÐ-UBND ngày 18/2/2005 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội), các quận, huyện, thị xã phải chủ động xây dựng và thực hiện phương án xử lý theo quy định, hoàn thành trước ngày 30/6. Riêng các trường hợp vi phạm trên địa bàn quận Thanh Xuân, thành phố chỉ đạo UBND quận phối hợp các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm trước ngày 15/4.
(Theo giadinh.net)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet