Nhà méo trên đường Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu: Hà Nội lờ cho phạm luật?
Chi tới hơn 700 tỷ đồng cho đường nối từ ngã năm Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu chỉ dài 547m, tức mỗi mét đường có giá 1,3 tỷ. Được gọi là “con đường đắt nhất hành tinh” nhưng lại đang xấu xí vì nhiều nhà siêu méo.
Khởi công từ tháng 4/2010, con đường từ ngã năm Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu đã chính thức thông xe từ ngày 15/1. Nhấn ga một vòng qua tuyến đường 2 làn dài hơn 500m thuộc tuyến đường vành đai I quan trọng của Hà Nội, đập vào mắt bất cứ ai đi đường là hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo, hình thù kỳ dị.
Đơn cử, ngay đầu Ô Chợ Dừa mọc ngay căn nhà trơ trọi có tới 3 mặt tiền cao hai tầng. Hai bên đường nhiều nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên với nhiều hình thù khác nhau, cái thò thụt, có những căn nhà mặt tiền chỉ hơn 1m hoặc 4-5m, chiều sâu chỉ hơn 1m, nhất là nhiều ngôi nhà cũ phá dở dang nằm trơ ngay mặt đường rất lem nhem…
Chị Thu Hà, một người dân có ô đất bám mặt đường cả chục mét nhưng chiều sâu chỉ 1,5m cho biết: Khi lập phương án giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư tuyến đường đã không có phương án xử lý nốt phần đất còn lại của nhà chị. Hơn nữa, gia đình chị đã nhiều lần thương lượng với hộ liền kề về việc bán mảnh đất hoặc chuyển đổi nhưng đều không thành. Bản thân gia đình chị cũng không muốn xây nhà có hình hài xấu như thế.
Trao đổi với PV Infonet, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: Con đường nối từ ngã năm Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu xây dựng sau khi có Luật quy hoạch đô thị. Mà Luật này yêu cầu khi làm con đường trong đô thị thì phải phát triển đất đai 2 bên đường trong phạm vi 50m, khi đó có điều kiện chia lô vuông vắn với đường, xây dựng những ngôi nhà đàng hoàng.
“Đằng này, làm đường chỉ biết làm đường mà không làm hai bên đường là vi phạm Luật quy hoạch đô thị”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm: Hà Nội không coi việc nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề gì, coi đấy là lỗi của dân chứ không coi đó là lỗi của mình. Đáng lẽ, khi làm đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa đã sinh ra hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo thì phải rút kinh nghiệm, nếu chú ý làm hai bên đường thì không có chuyện là “con đường đắt nhất hành tinh” vì khi làm hai bên đường thì đất có giá, bán cho những người xây công trình thu lãi bù vào tiền vốn làm đường, rất lợi ích thì không làm.
“Trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, khi làm con đường trong đô thị thì không phải riêng công việc của một người làm đường, mà đây là việc phát triển cả một khu vực đô thị có con đường đó đi qua, mình lại tách ra chuyện làm đường riêng, phát triển đô thị hai bên đường là việc khác là không đúng. Làm con đường không chỉ để đi mà còn làm đường phố đẹp, khang trang cho cả đô thị nữa.
Nhà siêu mỏng, siêu méo chỉ là hậu quả, nếu như chữa bệnh mà chỉ chữa triệu chứng thôi thì lần này đến lần khác sẽ lại xảy ra, tương lai nếu không lường trước sẽ lại tiếp tục tái diễn ở con đường Hoàng Cầu – Cầu Giấy”, ông Liêm cảnh báo.
Thành phố cần rút kinh nghiệm, mà tại sao Bộ Xây dựng là đơn vị quản lý đô thị không “thổi còi” khi có đơn vị vi phạm Luật quy hoạch đô thị? Không khó để triệt tiêu được nhà siêu mỏng, siêu méo, tôi nghĩ Thủ tướng cần có công văn khiển trách TP Hà Nội về vấn đề này vì Hà Nội không tự mình rút kinh nghiệm sửa chữa để không tái diễn câu chuyện này ở những con đường khác”, ông Liêm đề xuất.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội: để triệt tiêu nhà siêu mỏng siêu méo khi mở đường mới giống như tuyến đường ngã năm Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu cần phải xác định luôn những trường hợp sẽ phải hợp khối, thu hồi rồi làm quỹ đất phát triển cây xanh. Tuy nhiên, việc này phải có phương án ngay khi lập dự án mở đường và quản lý chặt.
Còn tại trường hợp này, theo ông Nghiêm thì khó xử lý vì “gạo đã nấu thành cơm”. Phương án giải quyết có thể là vận động người dân còn ít đất ở mặt phố thỏa thuận dồn đổi, hợp khối tạo thành ô thửa vuông vức hoặc Nhà nước hay chủ đầu tư sẽ phải bỏ tiền ra mua rồi làm kiot, trồng cây xanh, quy hoạch sao cho đẹp mắt.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet