Nhà hội nghị Vitra nằm trong loạt những công trình trưng bày của nhà máy Vitra. Đây là tác phẩm được xây dựng đầu tiên ở châu Âu của Tadao Ando sau những thành công liên tiếp của ông tại Nhật Bản. Sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại phương Tây, kiến trúc truyền thống Nhật Bản và triết học Đông phương được thể hiện rất rõ trong những sáng tác của ông.

Toàn cảnh mé tây cuả công trình và sân ngoài của phòng họp

Nhà hội nghị nằm trên một bãi cỏ rộng ngay bên cạnh bảo tàng Thiết kế Vitra, nhìn ra đường lớn. Người ta có thể dễ dàng nhận ra công trình ngay khi bước chân đến Vitra. Nếu đã tìm hiểu và đọc nhiều về Tadao Ando thì chắc chắn khi tham quan nhà hội nghị Vitra, không ai không nhận ra phong cách và quan điểm kiến trúc đặc trưng của ông. Vẫn là thế mạnh về sử dụng ánh sáng và không gian hình học cơ bản, ông đã phát triển kiến trúc hiện đại từ những vật liệu cơ bản là bê tông và kính. Chất thiền đạo Nhật Bản được ông áp dụng vào không gian của công trình khi thiết lập bức tường cao hơn tầm mắt vây bọc xung quanh, tạo không gian riêng tư đối lập hoàn toàn với không gian ồn ào bên ngoài. Không gian tĩnh lặng cần thiết cho các buổi hội nghị, chuyên đề và đào tạo… của Vitra.

Nhà Vitra được tạo nên từ những dạng hình học đơn giản như hình vuông, chữ nhật và hình tròn với ba phần của khối nhà: khối chữ nhật chạy song song với sân, khối chữ nhật thứ hai nằm chéo góc 600, xuyên qua bức tường bao và cuối cùng là khối trụ nằm xen giữa, nối kết hai khối hình chữ nhật thành một thể thống nhất. Sự kết hợp này tạo cho nội thất một không gian khá phong phú.

Sân trong của toà nhà được bao bọc bởi bức tường bê tông đặc, chiều cao của toà nhà được giảm xuống bởi phần nhà nằm thấp dưới mặt đất. Các phòng chức năng chính bao gồm hai phòng hội nghị, thư viện, các phòng cá nhân và tiền sảnh, tất cả đều mở ra khoảng sân trong chìm dưới mặt đất. Khách có thể quan sát không gian bên ngoài từ tầng trên của toà nhà nhờ vật liệu kính sử dụng chủ yếu để lấy ánh sáng tự nhiên. Nếu từ bên ngoài nhìn vào thì khó có thể nhận ra được không gian bên trong, chúng bị che khuất hoàn toàn bởi bức tường bê tông, nhưng khi đứng bên trong người ta lại quan sát rất rõ không gian bên ngoài. Đó chính là đặc điểm rất thú vị của toà nhà khách này.

Tadao Ando từng được coi là “nhà thơ bê tông” bởi cấu trúc tường bê tông khá phổ biến và đặc trưng trong các công trình của ông. Có thể kể đến một số công trình như nhà Azuma, nhà trưng bày Akka hay nhà thờ Ánh sáng,... là những chuỗi công trình sử dụng chất liệu tường bê tông đặc biệt, giống hệt nhau. Những tấm bê tông màu xám trắng, không đơn thuần chỉ là mảng dày thô ráp, nặng nề mà là những khối bê tông mịn đúc sẵn. Nhờ các chuyên gia trong quá trình sản xuất mà bề mặt của bê tông đạt chất lượng đồng nhất và mịn. Hỗn hợp đó bao gồm cát sáng màu, xi măng trắng và xi măng thông thường với tỷ lệ 3,5: 0,5: 1. Ngoài ra bề mặt của bê tông còn được nhúng trong acid loãng và hỗn hợp xi măng trắng, xi măng xám theo tỷ lệ  1: 5. Đó là lý do mà toà nhà có được màu xám rất khác so với màu bê tông thường. Tất nhiên, hiệu quả đó còn nằm trong bí mật của Tadao Ando và kỹ năng của các nhà sản xuất. Trên mỗi khối bê tông bao gồm sáu lỗ, chúng được ghép liên tục với nhau và sử dụng đồng nhất cả trong nội thất và ngoại thất của công trình.

Đơn giản, cơ bản, phẳng là cảm nhận về toà nhà Vitra này. Nhưng để có được sự đơn giản mà không lẫn vào đâu, Ando đã phải miệt mài học hỏi và làm việc không ngừng để có được những tác phẩm như vậy.

Giải thưởng danh giá Pritzker dành cho kiến trúc sư và nhiều giải thưởng khác mà ông nhận được chứng tỏ sự ảnh hưởng lớn của ông đối với kiến trúc trên thế giới. Mặc dù toà nhà này không nằm trong số những công trình đạt giải thưởng của ông, nhưng nó khá tiểu biểu cho phong cách của Tadao Ando và nó cũng chính là đặc trưng của kiến trúc hiện đại thế kỷ 20 với vật liệu bê tông.

Địa điểm: Wei am Rhein, Đức
Cấu trúc bê tông tăng cường
Năm hoàn thành: 1993

Bài: KTS Vũ Thị Nam Bình
Ảnh: Tường Huy (Praha, Cộng hoà Czech)

Lối vào sảnh chính, buồng họp và hành lang từ buồng họp đến căn tin

Hướng nhìn từ hành lang với cảm giác nối kết không gian khi dòng xe trên xa lộ cắt ngang tầm mắt

Khu vực căn tin, phòng ăn

Sân nghỉ ở phiá trước căn tin

Sân nghỉ ở phiá trước căn tin

Khu toilet

Cầu thang xoắn dẫn xuống sảnh nghỉ

Phòng họp lớn nối liền không gian vườn bằng vách kính

Phòng họp nhỏ

 

Giải thưởng của Tadao Ando:

Giải thưởng thường niên (Row, Sumiyoshi), học viện Kiến trúc Nhật Bản, 1979

Giải thưởng Văn hoá (khu nhà Rokko Housing 1 và 2), Nhật Bản, 1983

Huy chưong Alvar Aalto, hiệp hội kiến trúc sư Phần Lan, 1985

Huy chương vàng kiến trúc, viện hàn lâm Kiến trúc Pháp, 1989

Giải thưởng kiến trúc Carlsberg, Đan Mạch, 1992

Giải thưởng Hàn lâm nghệ thuật Nhật Bản, 1993

Giải thưởng Pritzker, 1995

Hiệp sĩ hiệp hội Văn học và nghệ thuật Pháp, Pháp, 1995

Giải thưởng Hoàng gia "FRATE SOLE" về kiến trúc, hiệp hội Nghệ thuật Nhật Bản, 1996

Huân chương hiệp hội Văn học và nghệ thuật Pháp, Pháp, 1997

Huy chương vàng Hoàng gia, hiệp hội kiến trúc sư Hoàng gia Anh (RIBA), 1997

Huy chương vàng AIA, hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ (AIA), 2002

Theo SGTT

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME