Nhà giá rẻ được kiến nghị giảm 50% thuế GTGT
Theo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của luật thuế GTGT, Chính phủ đề nghị từ 1/7/2013 đến hết ngày 30/06/2014 sẽ giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Chính phủ cho rằng việc bổ sung quy định về giảm 50% thuế GTGT cho loại hình nhà ở xã hội thể hiện sự chia sẻ, tạo đồng thuận cao, tác động lan tỏa lớn hơn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Giảm thuế GTGT 50% nhằm chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp. Ảnh TP |
Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ nêu rõ, việc bổ sung quy định về giảm 50% thuế GTGT như trên thể hiện sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với các doanh nghiệp. Qua đó tạo sự đồng thuận cao, đồng thời tạo ra tác động lan tỏa lớn hơn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Việc bổ sung vào diện không chịu thuế GTGT đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức do Nhà nước thành lập với 100% vốn ngân sách nhà nước nhằm xử lý các khoản nợ của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với quy định về giảm 50% thuế GTGT đối với loại hình nhà ở xã hội, Chính phủ ước tính sẽ làm giảm thu NSNN của năm 2013 khoảng 375 tỷ và của năm 2014 cũng khoảng 375 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số giảm thu 750 tỷ của cả 02 năm này sẽ được bù đắp lại một phần từ việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nếu tính cả những tác động trong các vòng sau thì tác động đối với nền kinh tế có thể lớn hơn thông qua hệ số nhân trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng cho rằng việc giữ 3 mức thuế suất như hiện hành, chưa áp dụng một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0%) là cần thiết, đảm bảo phát huy vai trò tích cực của thuế GTGT đối với sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, không gây tác động tiêu cực đến giá thành sản phẩm sản xuất trong nước và đời sống của người dân đồng thời đảm bảo cân đối nguồn thu cho NSNN.
Tuy nhiên, việc áp dụng ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo mức 1 tỷ đồng có thể gây ra một số xáo trộn về nghĩa vụ thuế đối với một bộ phận đối tượng nộp thuế đang thực hiện phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng theo quy định hiện hành.
Do đây là vấn đề mới nên Chính phủ nhận định, trong thực tiễn sẽ có phát sinh những vướng mắc. Vì vậy, để đảm bảo kịp thời xử lý các trường hợp mới phát sinh trong thực tiễn cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.
Thực hiện theo quy định ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng/năm, theo ước tính sẽ có khoảng 30% số doanh nghiệp và 80% số hộ đang nộp thuế GTGT sẽ dưới ngưỡng.
Đối tượng dưới ngưỡng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và hộ, cá nhân kinh doanh (những chủ thể không có điều kiện thực hiện đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ). Số nộp ngân sách Nhà nước và nghĩa vụ của người nộp thuế cơ bản không thay đổi do tỷ trọng trong tổng thu NSNN không đáng kể (khoảng 0,3%).
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet