Nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt rót tiền vào bất động sản Âu, Mỹ
Gần đây, thị trường BĐS thế giới đang chứng kiến việc các nhà đầu tư Trung Quốc lũ lượt kéo nhau ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội làm ăn, đặc biệt là tại các thành phố lớn và nổi tiếng tại Châu Âu và Châu Mỹ.
Trung tâm thương mại One Chase Manhattan đã bị người Trung Quốc mua lại. Ảnh: AP |
Sau khi đã "kiếm đủ" tại thị trường nội địa, các nhà đầu tư Trung Quốc lại tiếp tục nhòm ra thị trường thế giới với tính toán có thể kiếm được lợi nhuận ổn định và chắc chắn hơn.
Với xu hướng này, họ đang chuyển dòng tiền (đang ngày càng lên giá) khỏi thị trường BĐS đã trở nên đắt đỏ trong nước sang các thành phố khác "rẻ" hơn như New York hay San Francisco, Mỹ.
Marc Giuffrida, giám đốc điều hành dịch vụ BĐS của tập đoàn CBRE, đã tham gia rất nhiều thương vụ đầu tư của người Trung Quốc thời gian qua, cho biết: "Nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ rất cao, do đó, nhiều công ty đang tìm kiếm thị trường để đáp ứng. Những nhà đầu tư này sẵn sàng tìm kiếm lợi nhuận thấp hơn, nhưng ổn định, minh bạch và có khả năng thanh khoản từ các thị trường khác".
Theo số liệu của CBRE, trong 3 quý đầu năm 2013, các công ty BĐS Trung Quốc đã rót 7,7 tỷ USD vào lĩnh vực xây dựng nhà ở và thương mại ở nước ngoài, tăng 46% so với năm 2012, và nhiều gấp 3 lần mức đầu tư năm 2011.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Văn phòng Trung Quốc, tuần trước, tập đoàn Shanghai Fosun International Ltd đã mua lại Trung tâm thương mại One Chase Manhattan, một tòa tháp văn phòng tại khu vực Phố Wall, với giá 725 triệu USD. Tính ra giá là 330 USD một mét vuông, chỉ bằng một phần ba giá trung bình của một tòa nhà văn phòng tại Thượng Hải hồi năm ngoái.
Các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc cũng đang tìm kiếm những nơi đầu tư an toàn, có giá hời ở nước ngoài với mục đích bảo toàn tiết kiệm. David Li, một nhà đầu tư người Thượng Hải, hiện đang sở hữu hơn chục căn hộ tại Trung Quốc, đã mua 3 căn tại thành phố San Francisco vào năm 2011 với tổng trị giá 1 triệu USD. Tới nay, giá trị của chúng đã tăng 30%, và cho lợi nhuận 6%.
Hiện David Li đang tiếp tục mua thêm, và lần này chỉ để sử dụng. Ông Li đang dồn tiền để mua một căn nhà có giá 1,5 triệu USD gần khu phố Hoa tại San Francisco, với mục đích sẽ nghỉ hưu tại đó dù ông không thạo tiếng Anh và chưa từng sống ở nước ngoài.
"Tôi không thực sự muốn rời Trung Quốc, tuy nhiên tôi cần có kế hoạch dự phòng nếu có điều gì bất trắc", Li tâm sự. Ông cũng cho biết: "Tôi kiếm tiền tại Trung Quốc và đầu tư tại Mỹ - đây là cơ hội ngàn năm có một".
Cũng đồng tình với quan điểm trên, Michael Klibaner, trưởng bộ phận nghiên cứu công ty BĐS Jones Lang LaSalle khẳng định: "Các thị trường đã phát triển có vẻ rất hấp dẫn. Và việc đầu tư như vậy tỏ ra khá hợp lý".
Du học ở đâu, đầu tư ở đó
Tham vọng của các công ty Trung Quốc đang biến London và New York thành các thị trường giống y như ở nước này. Các tòa nhà chọc trời kiểu Hoa đang được mọc lên tại những khu vực thưa thớt dân cư ở Anh và Australia. Tập đoàn phát triển BĐS Thương mại Dalian Wanda đang đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một khách sạn hạng sang tại London. Đây sẽ là khách sạn cao nhất ở Tây Âu. Còn tập đoàn BĐS Greenland cũng đang rót 5 tỷ USD vào một dự án nhà ở thương mại tại khu vực Brooklyn (New York), gọi là khu Atlantic Yards.
Dòng tiền đầu tư nói trên của Trung Quốc tập trung chảy vào những khu vực thành phố có mật độ người Hoa cao như Sydney, Melbourne, San Francisco, Los Angeles, New York và London. Theo các chuyên gia, để biết được giới nhà giàu Trung Quốc sẽ đầu tư vào đâu, chỉ cần tìm hiểu xem họ đã đến học trường nào.
Ông Giuffrida nói rằng, "chúng tôi nhận thấy mối liên hệ khá lớn giữa nơi các lãnh đạo công ty học tập và nơi mà họ đầu tư. Khi cảm thấy hiểu thị trường, họ sẵn sàng mạo hiểm".
Theo số liệu khảo sát của EOL, tập đoàn giáo dục lớn nhất Trung Quốc, năm 2012, điểm đến học tập hàng đầu ở nước ngoài của du học sinh Trung Quốc là Mỹ (chiếm 30%), tiếp đến là Anh (21%) và Australia (13%).
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet