Nhà đầu tư 9X linh hoạt thích ứng giữa đại dịch Covid-19
“Thuê rồi cho thuê lại” là hướng đi của phần lớn những nhà đầu tư 8X, 9X ít vốn khi tham gia đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến thị trường cho thuê rơi vào tình cảnh khó khăn, những nhà đầu tư trẻ theo đuổi mô hình này đều lao đao và đang tìm cách “giải cứu” sản phẩm của mình.
Theo khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn, nhà trọ tiện ích, homestay – những hình thái tiêu biểu của mô hình “thuê rồi cho thuê lại” đều đang rơi vào cảnh ế ẩm trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Đáng nói, những người theo đuổi mô hình đầu tư này phần lớn là những nhà đầu tư trẻ thuộc thế hệ 9X hoặc cuối 8X. Đặc điểm chung của nhóm nhà đầu tư này là tiềm lực tài chính hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các tình huống phát sinh trong đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Trần Văn Niên (1992) và bạn thân - chủ một homestay trên phố cổ Hà Nội, cách bờ Hồ khoảng 1 km đều đang phải rút tiền tiết kiệm riêng để chi trả và duy trì homestay. Hai tháng nay, homestay của Niên và bạn gần như không có khách. Năm ngoái, trung bình mỗi tháng, sau khi trừ mọi chi phí, 2 nhà đầu tư 9X này thu về 15-24 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, từ sau Tết, thu không đủ bù chi. Đáng nói, Niên và bạn đều mới gia hạn hợp đồng 1 năm vào tháng 1 vừa rồi. Chính bởi vậy, dù kinh doanh khó khăn nhưng cả 2 đều xác định cầm cự và mong dịch bệnh sớm qua. Việc trả hợp đồng trước hạn đã được Niên và bạn tính đến nhưng sớm gạt đi bởi điều này đồng nghĩa mất cọc và phải chịu một khoản phạt không hề nhỏ. Hơn nữa, homestay cũng tạo dựng được chút thương hiệu nên Niên và bạn đều không muốn bỏ cuộc giữa chừng.
Trong khi đó, Mai Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực kinh doanh nhà trọ tiện ích cũng đang khốn đốn vì dịch bệnh. Khu nhà trọ tiện ích ở Thanh Xuân của Hoa mới chỉ hoạt động được 3 tháng thì dịch bệnh xuất hiện. Tỉ lệ lấp đầy phòng từ tháng 1 đến nay chỉ khoảng 20-30% do tháng 1 vướng lịch nghỉ Tết Nguyên đán, còn từ sau Tết thì dịch bệnh bùng phát, sinh viên nghỉ Tết kéo dài. Từ lúc mở ra đến nay là 4 tháng, Hoa liên tiếp phải bù lỗ. Cô bạn cho biết: “Sau khi bỏ cả trăm triệu tiền thuê hợp đồng căn nhà cả năm, đầu tư sửa sang, làm nội thất, sau 4 tháng hoạt động, đến nay tôi phải đi vay mượn người thân để duy trì khu nhà trọ tiện ích. Giờ tôi chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc”. Hoa cũng cho biết, dù khó khăn cô không thể từ bỏ công việc kinh doanh này vì công việc mới bắt đầu, đã đổ vào đó rất nhiều tiền bạc và công sức.
Nhà trọ tiện ích, homestay – những hình thái tiêu biểu của mô hình “thuê rồi cho thuê lại”
đều đang rơi vào cảnh ế ẩm trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Ảnh minh họa
Cũng với mô hình “thuê rồi cho thuê lại”, một số nhà đầu tư 9X khi nhận ra tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tìm những giải pháp “giải cứu” tạm thời. Căn hộ được phát triển theo mô hình homestay của Hoàng Mạnh Tài (Đống Đa, Hà Nội) đã được chuyển hướng sang cho thuê theo mô hình nhà ở thông thường. Cậu đăng tin cho thuê và nói rõ chỉ cho thuê được trong 6 tháng. Để hút khách, Tài chấp nhận để giá thuê chỉ bằng 2/3 giá thị trường. May mắn, Tài tìm được 1 cặp vợ chồng trẻ vừa hết hạn hợp đồng thuê nhà cũ và đang chờ đến tháng 8 năm nay nhận bàn giao căn hộ mới mua. Theo Tài, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu nên khoảng thời gian nửa năm là hợp lý để dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế phục hồi. Trong bối cảnh dịch bệnh, Tài xác định cho thuê được đồng nào đều quý giá, hơn là để không căn hộ. Sau khi hết hạn hợp đồng thuê ngắn hạn, Tài sẽ lấy lại nhà và tiếp tục triển khai theo mô hình homestay.
Khác với Tài, Thanh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chủ 1 căn nhà trọ tiện ích thì biến những căn phòng trống thành không gian thuê để đồ của những cửa hàng ăn, cửa hàng dịch vụ đóng cửa, trả mặt bằng trong mùa dịch bệnh. Số tiền cho thuê để đồ chỉ bằng 1/2 tiền cho thuê ở nhưng đó là cách để Phương có nguồn tiền thu về thay vì để những căn phòng của mình “chết cứng”.
Chị Nguyễn Thị Minh, một nhà đầu tư có kinh nghiệm trong mảng “thuê và cho thuê lại” cho biết, những thách thức các nhà đầu tư 9X đang gặp phải trong mùa dịch cũng là khó khăn chung của những nhà đầu tư kinh doanh vốn nhỏ, tiềm lực tài chính chưa dồi dào. Theo chị Minh, lượng sức mình và luôn phòng bị một khoản tài chính cố định trong kinh doanh là điều cần thiết để đề phòng những trường hợp bất trắc. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần linh hoạt mọi phương án thích hợp, sẵn sàng chuyển đổi mục đích trong trường hợp bất đắc dĩ để thu về dòng tiền. Theo chị Minh, có như thế, nhà đầu tư mới có thể đi được đường dài vốn luôn có những sự cố, biến cố bất ngờ.
Nguyễn Bình
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet