Nhà bán lẻ cạnh tranh để tìm vị trí thuê tại khu vực trung tâm
Hầu hết các thương hiệu lớn đều có xu hướng chọn thuê mặt bằng trung tâm, trong khi nguồn cung bán lẻ khu vực này đang ngày càng hạn chế. Điều này tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn để tìm vị trí thuê tại Tp.HCM và Hà Nội.
Hiện tại, nguồn cung mặt bằng bán lẻ khu trung tâm Tp.HCM còn chưa tới 100.000m2, trong đó chỉ có 2,7% còn trống. Xét tiến độ xây dựng hiện tại của các dự án tương lai thì khu trung tâm sẽ không có nguồn cung mới nào chào thuê trong năm 2018. Đến năm 2019 và 2020, Tp.HCM có thể sẽ thêm khoảng 124.000m2 nguồn cung từ các dự án tổ hợp cao cấp như Golden Hill, Tax Plaza và The Spirit of Saigon. Tuy nhiên hầu hết mặt bằng tại các tòa nhà này đã được đặt trước, tỷ lệ trống cho thuê không nhiều. Với nhu cầu thuê mặt bằng cao, áp lực cạnh tranh sẽ gay gắt và giá thuê của khu trung tâm được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, từ 5 - 10% trong 3 năm tới. Cùng lúc đó, các diện tích trống sẽ được lấp đầy nhanh chóng và tỷ lệ trống dự đoán sẽ được giữ dưới mức 5%.
Thị trường mặt bằng bán lẻ đang dần khan hiếm nguồn cung khu trung tâm. Ảnh minh họa
Trong khi đó, áp lực tìm nguồn cầu đè nặng lên loại hình mặt bằng bán lẻ khối đế của các dự án căn hộ ngoài trung tâm. Tính riêng năm 2017, Tp.HCM có 7 dự án mới với 74.183m2 sàn bán lẻ đưa vào thị trường. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong 3 năm tới với 430.000m2 sàn gia nhập thị trường, trong đó hơn 70% là khối đế thương mại. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các khối đế bán lẻ tạo áp lực cho cả chủ đầu tư trong việc thu hút người thuê và các đơn vị bán lẻ. Do cạnh tranh ngày cao, giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm dự đoán sẽ khó tăng, thậm chí nhiều nơi có xu hướng giảm và tỷ lệ trống dự kiến sẽ lên tới 20% vào năm 2020. Xu hướng mở rộng nguồn cung bán lẻ mới trong năm 2018 sẽ tập trung ở phía Đông, bao gồm quận 2, quận 9 và quận Bình Thạnh.
Tình hình tương tự được dự báo cũng sẽ diễn ra tại Hà Nội. Hiện tại, nguồn cung khu trung tâm chỉ chiếm 7% tổng nguồn cung bán lẻ của thành phố. Thực trạng thiếu hụt nguồn cung ở khu trung tâm đã bắt đầu từ năm 2013 và dự kiến kéo dài khi không có nguồn cung mới nào ở trung tâm trong một vài năm tới. Điều này đồng nghĩa giá chào thuê khu trung tâm sẽ tiếp tục cao. Trong điều kiện thiếu hụt nguồn cung phù hợp, các đơn vị bán lẻ tìm đến các giải pháp sáng tạo như chuyển đổi các căn nhà cổ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm thành mặt bằng bán lẻ.
Trong những năm tới, thị trường bán lẻ Hà Nội có khả năng sẽ đi theo xu hướng mở rộng của các khu dân cư ngoài trung tâm. Khu vực phía Nam, Tây Nam với đường Vành đai 3 và hai tuyến đường sắt trên cao được trông đợi sẽ trở thành điểm nóng với gần 375.000m2 dự kiến ra mắt trong 3 năm tới. Khu vực phía Bắc cũng đang dần được hình thành rõ rệt với dự án phức hợp thực hiện bởi Lotte Group. Đặc biệt, một khu trung tâm mới cũng sắp hình thành ở phía Tây của Hà Nội bao gồm các quận Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân hiện có nguồn cung bán lẻ chiếm tới 41% tổng nguồn cung. Khu trung tâm tương lai này sẽ còn củng cố thêm vị trí của mình trong những năm tới với 83.300m2 mặt bằng bán lẻ mới.
2018 dự kiến sẽ là một năm sôi động cho thị trường bán lẻ ngoài trung tâm Hà Nội với gần 157.000m2 từ 8 dự án đang thi công. Tuy nguồn cung mới dồi dào nhưng phần lớn những dự án mới này nằm ở những khu dân cư đang phát triển, vì vậy, mức giá thuê trung bình trên thị trường dự kiến vẫn giữ ở mức ổn định hoặc tăng nhẹ.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet