Nguyên tắc đền bù khi thu hồi đất có nhiều người cùng sử dụng
Trên thực tế có không ít trường hợp các gia đình nhiều thế hệ cùng sống với nhau trên 1 mảnh đất, trong đó mỗi gia đình nhỏ lại ở một hộ khẩu riêng. Vậy khi thửa đất này nằm trong diện quy hoạch bị thu hồi, mỗi khẩu có được hỗ trợ/ đền bù một suất tái định cư riêng hay không?
Năm 1980, bố mẹ anh Duy kết hôn, sinh được 3 người con và sống trên mảnh đất của ông bà để lại. Nguồn gốc mảnh đất này là đất khai hoang, hàng năm gia đình anh vẫn đóng thuế đầy đủ nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau này, khi 3 anh em lập gia đình, bố mẹ anh chia mỗi người một phần đất để làm nhà. Đến năm 2013, do nhân khẩu gia đình quá đông nên gia đình anh Duy tiến hành tách khẩu thành 4 sổ riêng: Bố mẹ anh Duy một sổ và gia đình mỗi người con một sổ, nhưng vẫn sống chung trên một mảnh đất.
Năm 2015, bố mẹ anh Duy qua đời. Năm 2019, nhà nước có chủ trương thu hồi đất khu nhà anh Duy để thực hiện dự án xây dựng trường học. Theo phương án bồi thường thì gia đình anh chỉ được nhà nước hỗ trợ 1 suất tái định cư. Điều này có đúng hay không? (Anh Duy, Phú Thọ).
Nguyên tắc đền bù khi thu hồi đất có nhiều người cùng sử dụng. Ảnh minh họa: Internet
Thắc mắc của anh Duy được Luật sư Giáp Văn Đức - Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:
1. Phương án hỗ trợ 1 suất tái định cư cho gia đình anh Duy là không đúng pháp luật
Để được bồi thường khi đất bị thu hồi thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải đáp ứng được 2 điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật đất đai năm 2013:
- Đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm;
- Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Do gia đình anh Duy chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên để được bồi thường khi bị thu hồi thì thửa đất này phải có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, căn cứ Điều 101 Luật đất đai 2013 và điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ – CP thì gia đình anh Duy có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (vì theo thông tin mà anh Duy cung cấp thì đất của gia đình đã có nhà ở từ trước ngày 15/10/1993, đất không có tranh chấp, nguồn gốc đất không phải do lấn, chiếm hay chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật và việc sử dụng đất hoàn toàn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất).
Năm 2013, gia đình anh Duy đã tách thành 4 hộ gia đình riêng nhưng vẫn chung sống trên một thửa đất, nay thửa đất đó bị thu hồi, gia đình anh không còn đất/nhà ở nào khác trong địa bàn cấp quận/huyện nơi có đất bị thu hồi. Khi đó, gia đình anh Duy sẽ được bồi thường, hỗ trợ đất hoặc nhà tái định cư bằng 4 suất cho 4 hộ gia đình theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ – CP:
“2. Trường hợp trong hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình”.
Tuy nhiên, việc gia đình anh Duy được bồi thường, hỗ trợ bằng đất ở hay nhà ở tái định cư còn tùy thuộc vào quỹ đất của địa phương. Nếu quỹ đất của địa phương cho phép thì gia đình anh sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng đất ở tái định cư. Trường hợp địa phương đã hết hoặc hạn chế đất công ích thì gia đình anh sẽ được bồi thường, hỗ trợ nhà ở tái định cư. Lưu ý giá trị bồi thường về đất và tài sản khác gắn liền với đất mà thấp hơn nhà tái định cư thì gia đình anh Duy cần phải nộp thêm phần chênh lệch giữa mức tiền được Nhà nước bồi thường so với giá nhà tái định cư thực tế gia đình anh được nhận.
Tóm lại, việc nhà nước chỉ bồi thường hỗ trợ 1 suất tái định cư cho gia đình anh Duy là không đúng theo quy định của pháp luật. Khi nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ của Ban Giải phóng mặt bằng, gia đình anh Duy có quyền khiếu nại đối với phương án đó để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Luật sư Giáp Văn Đức (Luật TGS)
>> Xác định tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất
>> Xác định tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet