Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chậm cấp sổ đỏ?
Thước đo sự minh bạch của việc quản lý, sử dụng bất động sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ). Đây là một loại giấy tờ có giá và cực kỳ quan trọng đối với người sở hữu và cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhưng sự minh bạch đó khó thực hiện được trong thời gian ngắn mà nguyên nhân tới từ cả cơ quan quản lý lẫn người dân. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện nay, cả nước có khoảng 600.000 sổ đỏ đã ký nhưng chủ sử dụng đất chưa đến nhận. Bên cạnh đó, riêng với đất ở, tại Hà Nội và Tp.HCM có tới trên 130.000 trường hợp không làm được sổ đỏ vì vi phạm, phần lớn dưới các hình thức giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất công...
Tuy vậy, qua tìm hiểu của phóng viên, sự chậm trễ này còn do nhiều nguyên nhân khác. Đầu tiên, hàng vạn sổ đỏ đã hoàn thiện nhưng người dân không muốn nhận là vì họ không có tiền để đóng các loại phí và lệ phí theo quy định pháp luật. Theo một cán bộ địa chính cấp xã, nhiều trường hợp chủ sở hữu nhà đất có tiền cũng không muốn đóng bởi sau khi nhận sổ đỏ về cũng chỉ để cất vào tủ. Vị này kiến nghị: “Nếu cho phép người dân được khoanh nợ số tiền làm sổ đỏ thì may ra họ mới nhận”.
Tiếp đó, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, tiến độ cấp sổ đỏ chậm là do một nguyên nhân nữa là nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, thửa đất không có giấy tờ hợp lệ, vi phạm pháp luật đất đai. Tuy nhiên, đối với cơ quan quản lý, nhiều quy hoạch sử dụng đất vẫn còn “nợ” làm cho đất của người dân trở thành vi phạm Luật Đất đai. Những quy hoạch này cũng cần được giải quyết dứt điểm sớm để người dân có cơ sở hoàn thiện sổ đỏ.
Hiện nay, nhiều dự án nhà ở vẫn còn tình trạng chậm cấp sổ đỏ (Ảnh minh họa) |
Trong thời gian qua, chuyện nhà chung cư thiếu sổ đỏ chính là chuyện “nóng”. Cụ thể, TP. Hà Nội trong năm 2014 đã cấp 40.000 sổ đỏ cho người mua nhà ở các dự án phát triển nhà ở. Nhưng vẫn còn khoảng 76.000 căn hộ ở các dự án nhà ở chưa được cấp sổ đỏ trên địa bàn thành phố.
Vấn đề này chủ yếu do các chủ đầu tư các dự án nhà ở cố tình chây ỳ không làm sổ đỏ cho khách hàng. Thậm chí, có những dự án bàn giao nhà 5-7 năm mà khách hàng vẫn không được cấp sổ. Theo đó, các chủ đầu tư này đã gây khó khăn trong việc xuất hóa đơn, hoàn thiện hồ sơ và xác nhận hoàn thiện nghĩa vụ tài chính của người dân. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn toan tính "móc túi" người mua nhà bằng cách tự đặt ra những loại phí làm sổ đỏ vô lý...
Đối với khách mua nhà, bên cạnh nhiều người mong muốn được nhận sổ đỏ, vẫn có không ít người mua nhà lại cố tình không muốn nhận. Tình trạng này là do nguồn tài chính của khách hàng cạn kiệt, không có đủ tiền để đóng nốt cho chủ đầu tư. Hơn nữa, một nguyên nhân cũng hết sức quan trọng là theo quy định hiện tại, sau khi nhận bàn giao nhà thì chủ sở hữu không được quyền chuyển nhượng cho tới khi căn hộ đó được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, chủ nhân của những hợp đồng mua bán được thoải mái chuyển nhượng khi căn hộ còn trong hợp đồng này.
Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm đẩy nhanh tiến trình cấp sổ đỏ mà theo đúng kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2015. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 25/12/2014, việc chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ 1 năm cho từ hơn 100 hộ dân sẽ bị phạt đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, cơ quan, 1 tỷ đồng đối với cá nhân.
Gần đây nhất, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định về vấn đề cấp sổ đỏ trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Văn phòng Đăng ký đất đai có nghĩa vụ kiểm tra và làm thủ tục trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để ký quyết định cấp sổ đỏ trong khoảng thời gian không quá 30 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ. Đống thời, UBND TP. Hà Nội cũng mới chỉ đạo Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra các dự án chung cư thương mại nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho khách hàng.
Với sự nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng rằng, kế hoạch cấp sổ đỏ sẽ sớm được hoàn thiện như dự kiến để góp phần tăng thêm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet