Nguồn cung dự án mới trong quý 2/2019 tập trung tại tỉnh lẻ
Phần lớn kế hoạch triển khai dự án của các doanh nghiệp đầu ngành bất động sản trong quý 2/2019 đều đang tập trung tại thị trường tỉnh. Điều này giúp cho nguồn cung nhà đất vùng ven sôi động trong khi thị trường TP.HCM dự báo sẽ rơi vào ảm đạm trong các tháng tới đây.
TP.HCM vắng bóng dự án mới
Trong kế hoạch phát triển 2019, nhiều ông lớn cho biết sẽ không có dự án triển khai tại TP.HCM. Do đó, thị trường đang trong tình trạng thiếu cung trầm trọng. Năm 2018, toàn thành phố chỉ có 77 dự án đủ điều kiện bán, tổng cung hơn 28.000 căn nhà, giảm gần 34% so với nguồn cung 2017. Bước sáng quý 1/2019, tình hình tiếp tục không mấy khả quan khi thị trường chỉ có tầm 4 dự án mới và 7 dự án cũ chào bán với nguồn cung ghi nhận thấp nhất tính từ 2014 đến nay.
Số liệu từ HoREA cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm số dự án triển khai giảm khoảng 63% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến lượng sản phẩm của thị trường giảm sút vẫn là do khâu phê duyệt thủ tục dự án chậm gần đây. Trong bối cảnh công tác phê duyệt dự án bị gián đoạn, gần như không có dự án mới nào được ra mắt thị trường, nên phần lớn các dự án mở bán trong năm 2019 đã triển khai từ năm 2018. Chỉ có khoảng 1/3 các dự án mở bán trong năm nay là dự án mới. Tình trạng này đã diễn ra từ năm 2018 và vẫn tiếp diễn trong quý 1/2019.
Nguồn cung dự án mới ngày càng vắng bóng tại TP.HCM. Trong ảnh là một dự án
đang triển khai tại quận 2, TP.HCM. Ảnh: Phương Uyên
Nếu dựa trên số lượng các dự án đang xin cấp phép triển khai thì nguồn cung căn hộ thương mại dự kiến trong năm 2019 tại TP.HCM có thể tăng thêm 30.000-45.000 căn, riêng quý 2 dự kiến có ít nhất khoảng 5.000-7.000 căn hộ chào bán. Tuy nhiên, đây đều là những thông tin mang tính dự báo, sản phẩm có thể thực sự tung ra thị trường còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ phê duyệt xây dựng. Khá nhiều dự án lớn dù trước đó đã chuẩn bị hoàn tất công tác tiền mở bán nhưng nay chủ đầu tư cho biết khó có thể chào bán trong quý 2 do vướng mắc thủ tục.
Ông lớn dừng chân ở thị trường tỉnh
Loạt doanh nghiệp đầu ngành bất động sản như LDG Group, Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Phú Long… đều có kế hoạch triển khai dòng sản phẩm mới trong quý 2/2019. Tuy nhiên, hầu hết nguồn cung này tập trung ở thị trường tỉnh lân cận thay vì TP.HCM như trước đây.
Cụ thể, tại thị trường Bình Dương, nơi vốn chủ yếu phát triển sản phẩm đất nền và căn hộ tầm trung, được cả Đất Xanh và Phú Đông nhắm tới để xây dựng dự án căn hộ cao cấp. Đơn cử, tập đoàn Đất Xanh có kế hoạch triển khai một dự án chung cư cao tầng tại thị xã Dĩ An với quy mô 500 căn hộ, dự kiến triển khai vào giữa quý 2. Cũng trên địa phận thị xã Dĩ An, Phú Đông Group cho biết thay vì dòng sản phẩm trung cấp như 2 dự án trước, doanh nghiệp này đã chuẩn bị xong quỹ đất để phát triển dự án chung cư cao cấp với quy mô lớn trong quý 2. Trong khi đó, Him Lam Land có kế hoạch triển khai một dự án chung cư cao cấp với quy mô khoảng 6.000 căn hộ tại TP. Biên Hòa vào tháng 6 tới đây.
Một dự án bất động sản tại Bình Dương đang làm hạ tầng. Ảnh: Phương Uyên
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, ngoài Bình Dương, Long An cũng là điểm đến mới của các nhà phát triển dự án, và chủ yếu tập trung vào dòng sản phẩm đất nền/nhà phố với giá tầm trung. Đơn cử, Seaholdings chào bán nhà phố liền kề, biệt thự tại dự án KĐT Lago Centro quy mô 13 ha tại huyện Bến Lức, Thắng Lợi Group cũng có kế hoạch triển khai một KDC mới tại thị trường Long An; Trần Anh Group vừa bắt tay với Đồng Tâm Group tái khởi động dự án khu đô thị trung tâm hành chính TP. Tân An mang tên Lavilla Green City, quy mô trên 22 ha, gồm 50 căn biệt thự song lập và hơn 700 căn nhà phố.
Bên cạnh yếu tố quỹ đất, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp bỏ Sài Gòn về các tỉnh là để đa dạng hóa sản phẩm và nguồn khách hàng hơn. Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, nhà đất TP.HCM hiện giờ không còn là sân chơi ai cũng có thể tiếp cận như 4-5 năm trước. Hiện tại mặt bằng giá đất tăng quá cao, quỹ đất sạch lại ít, muốn triển khai dự án quy mô tại thành phố là không dễ. Với một doanh nghiệp lớn, lượng nhân viên đông, để triển khai nguồn hàng đa dạng, quy mô, doanh nghiệp buộc phải đổ về tỉnh. Bên cạnh đó, giá sơ cấp bất động sản TP.HCM ngày càng cao trong khi tỷ suất sinh lợi từ việc cho thuê và rao bán thứ cấp lại giảm. Điều này khiến không chỉ người mua thực mà ngay cả một bộ phận dân đầu tư cũng bắt đầu chọn hướng đi mới thay vì quẩn quanh thị trường TP.HCM như trước đây.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet