Người Italya đổ bộ vào Anh để đầu tư nhà đất tránh suy thoái kinh tế
Hiện nay, London trở thành nơi nhập cư hấp dẫn đối với người dân Italia giữa lúc suy thoái kinh tế tác động tiêu cực đến khu vực đồng euro (eurozone).
Sau hơn 2.000 năm kể từ đế chế La Mã, đến nay, nước Anh tiếp tục chứng kiến một “cuộc đổ bộ” mới của người Italia. Hiện có khoảng 40.000 người Italia định cư tại London, trong đó nhiều người làm việc trong lĩnh vực tài chính.
Theo khảo sát mới đây của Knight Frank, Italia đã vượt qua Nga để trở thành khách hàng hàng đầu của ngành bất động sản của Anh. Kể từ tháng 1/2012, bất động sản của người dân Italia ở London chiếm 8% tổng doanh số bán nhà của toàn khu vực thủ đô.
Năm ngoái, Hy Lạp là khách hàng lớn khi mà người dân nước này tăng gấp đôi chi tiêu mua bất động sản ở London trong bối cảnh thủ đô Athens xảy ra bạo loạn. Trong khi đó, người Italia chi khoảng 408 triệu bảng mua bất động sản London trong năm 2011, từ 185 triệu bảng năm 2010.
Theo giới chuyên gia, giới giàu có Italia đang tìm cách tiêu tiền ở nước ngoài càng nhanh càng tốt. “Với những người lo ngại về tài sản của họ ở eurozone, London là địa điểm chuyển hướng tài sản gần nhất. Các thành phố khác cũng khá thuận lợi như Berlin của Đức và Cote d’Azur của Pháp, nhưng London vẫn là địa điểm được ưa thích”, Liam Bailey, trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản tại Knight Frank nhận định.
Kinh tế Italia đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, và được dự báo tăng trưởng âm 1,5% trong năm nay. Để đối phó với tình trạng đáng báo động về việc người dân di cư chuyển tiền ra nước ngoài, Chính phủ Italia đã áp thuế đối mua bất động sản nước ngoài. Theo đó, người dân Italia phải trả thuế 0,81% đối với nhà thứ hai ở nước ngoài.
Đối với Anh, dòng tiền chảy vào London có thể là tin tốt, nhưng cũng gây ra không ít vấn đề. Do nguồn vốn từ Nga Trung Đông, châu Á chảy mạnh vào thị trường bất động sản, giá nhà đất tại đây tiếp tục tăng mạnh sau khi tăng 11,3% trong năm 2011.
(Theo DVT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet