Người dân muốn gì ở Luật Đất đai?
Đông đảo cử tri hy vọng rằng, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân cũng như của các chuyên gia. Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Đến nay đã có gần 7 triệu lượt ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 5 phiên họp để cho ý kiến, Quốc hội dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các ngành, các cấp, các địa phương và những đối tượng chịu sự tác động của luật quan trọng này. Kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo… Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp, thu hút đông đảo cử tri trong cả nước quan tâm theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến về nội dung dự thảo luật - một trong hai dự án luật quan trọng nhất, được đặc biệt quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Còn người dân quan tâm đề nghị sửa những gì? Hóa ra giá đất được quan tâm nhiều nhất. Bởi lẽ, người dân biết rằng, đất đai là công điền công thổ, dù là thổ canh hay thổ cư. Một khi Nhà nước cần lấy đất để xây dựng công trình an ninh quốc phòng, công trình công ích là phải chấp thuận. Nếu có lăn tăn thì phải quy định rất cụ thể quyền hạn trách nhiệm của cơ quan tổ chức được giao đất. Cần khắc phục ngay tình trạng trưởng thôn, trưởng xã, chủ tịch huyện cũng có thể giao đất, bán đất. Các chủ dự án đem con bỏ chợ khiến người dân mất đất đã trắng tay, lại còn mất cả nguồn sống.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, vấn đề giá đất để tính tiền đền bù cũng là sự quan tâm của dân. Các cử tri cho rằng, cần xem xét lại và quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất tại Điều 112. Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất”. Thế nhưng, trên thực tế, việc quy định như vậy là rất khó thực thi và dễ dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi áp dụng pháp luật. Vì vậy, luật cần làm rõ khái niệm “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.Thế nào là giá phổ biến, giá ủy ban hay giá dân?
Nhiều cử tri không tán thành quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành giá đất hằng năm. Theo các cử tri, làm như thế là vừa đá bóng vừa thổi còi. Cử tri đề nghị luật cần quy định thành lập cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để đảm bảo tính khách quan, công khai và minh bạch khi định giá. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin về định giá đất khi người dân và tư vấn định giá đất yêu cầu.
Nhà ở là vấn đề cử tri đô thị quan tâm nhiều. Trong thời gian qua, công tác quản lý của các địa phương đối với việc thực hiện dự án phát triển nhà ở còn lỏng lẻo, để xảy ra nhiều sai phạm. Việc xử lý tồn đọng về nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với các sai phạm là rất phức tạp nên việc quy định này là cần thiết. Luật cũng cần có quy định bắt buộc cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp sử dụng đất hương hỏa, sở hữu nhà chung cư.
Theo các báo cáo chính thức, đến nay Nhà nước đã giao, cho thuê và công nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng là 24.996.000ha, chiếm 75,53% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Thế nhưng, đất để hoang hóa quá nhiều trong các dự án treo, gây lãng phí rất lớn.
Tuy nhiên, tình trạng đất được giao, cho thuê sử dụng không đúng mục đích, vi phạm pháp luật, găm giữ đất, chậm đưa vào sử dụng hoặc chuyển nhượng dự án còn xảy ra ở nhiều địa phương dẫn đến lãng phí đất đai và gây bất bình trong dư luận. Nhiều địa phương còn thiếu cân nhắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước, đất lâm nghiệp có rừng; giao đất, cho thuê đất tại các khu vực nhạy cảm, vùng biên giới. Còn tình trạng nhiều tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền nhưng sử dụng lãng phí, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm. Từ thực trạng trên, cử tri đòi hỏi luật quy định cụ thể hơn về đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất, quy định về căn cứ giao đất, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng dất…
Đông đảo cử tri hy vọng rằng, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân cũng như của các chuyên gia. Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet