Người dân Hong Kong sẽ phải chui vào lòng đất?
Nếu như Singapore lợi dụng đường bờ biển để chuẩn bị xây một dọc các khu giải trí nghỉ mát và các công sở ven biển, Monaco đang nỗ lực lấn biển xây đô thị, thì người Hong Kong chẳng biết lấn ra đâu và chỉ còn một cách: chui vào lòng đất.
Vào hang hay ra biển?
Thật ra đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Cách đây chưa lâu, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã lên kế hoạch xây dựng 25 hòn đảo nhân tạo trên biển để giải quyết chỗ ở cho người dân. Tổng diện tích 25 hòn đảo nhân tạo trên sẽ tạo ra khoảng 1.500ha đất cho người dân sinh sống, cùng với đó là kế hoạch mở rộng bờ biển và xây thêm đường băng sân bay. Tuy nhiên, theo tờ Guardian, hàng ngàn chuyên gia môi trường, chuyên gia dân số và thiết kế đô thị ở Hồng Kông đã ký đơn phản đối kế hoạch này. Tất cả cho rằng nếu chính quyền thực hiện kế hoạch này thì sẽ có hàng tấn khối đất đá, bê tông, chất thải từ công trình xây dựng đổ vào nước biển, gây ô nhiễm và đe dọa đời sống sinh vật biển.Đáp lại, chính quyền đặc khu Hồng Kông bảo rằng đây chỉ mới là kế hoạch và đang thăm dò ý kiến người dân và các chuyên gia trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Và trong khi ấy, tình hình về đất đai ở Hong Kong ngày một căng thẳng và không có quỹ đất. Hong Kong lúc này chỉ có một kế hoạch đã bàn thảo từ lâu nhưng giờ mới bắt đầu đi vào thử nghiệm: xuống lòng đất.
Đồ họa mô phỏng một công trình đào sâu vào lòng núi ở Hong Kong |
Chuyện này bắt đầu được dự tính vào tháng 6 năm ngoái khi Đặc khu trưởng Hong Kong, Tăng Âm Quyền tuyên bố xây dựng đô thị trong lòng đất là một giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay. “Hong Kong cần tạo ra các quỹ đất để đáp ứng nhu cầu cư trú của người dân và sự phát triển của các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất của chúng tôi có giới hạn. Bành trướng ra bên ngoài cảng Victoria và đào những hang lớn trong các tầng đá dưới đất là những lựa chọn đáng được xem xét”, ông Tăng Âm Quyền cho biết.
Đặc khu trưởng Hong Kong đích thân đi máy bay thị sát tất cả các địa điểm để có thể đào hang và bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm xây dựng. Theo dự tính, trước mắt Hong Kong sẽ đưa các nhà máy điện, hồ chứa nước ngọt, trạm trung chuyển rác và nhiều dạng công trình vào những hang đá lớn dưới mặt đất. Theo lời đặc khu trưởng, nếu dự án khả thi thì các cơ quan công quyền của Hong Kong sau này cũng sẽ chui vào lòng đất để giải phóng mặt bằng làm nơi ở cho người dân. Các nhà địa chất cho rằng những hang trong đá dưới lòng đất có thể là lựa chọn hợp lý đối với những công trình công cộng như nhà máy xử lý nước thải. Bằng cách đưa hàng loạt nhà máy xuống lòng đất, chính quyền Hong Kong sẽ giải phóng được nhiều khu đất quý, đồng thời làm tăng giá trị của những bất động sản xung quanh các nhà máy. Nhiều học giả gợi ý chính quyền đưa cả bãi đỗ xe, cơ quan lưu trữ, công viên dành cho người đạp xe xuống dưới lòng đất. “Nhìn chung các đặc điểm địa chất của Hong Kong phù hợp với việc đào hang trong đá”, các nhà địa chất từng tuyên bố trong một báo cáo được công bố vào năm 1997. Khoảng 64% diện tích đất Hong Kong được chống đỡ bởi tầng granite, một loại đá rất chắc chắn.
Hôm 13/6, công ty Aecom đã chính thức được chọn thầu làm nhà nghiên cứu và khảo sát khu vực Tân Giới. Người ta chú ý nhiều đến việc này bởi Aecom sẽ thăm dò từ khu vực Nui Po Shan để đánh giá và xây dựng hệ thống nước thải. Công ty này cũng sẽ đánh giá sơ bộ kỹ thuật và tác động, điều tra mặt đất, chuẩn bị một thiết kế phác thảo cho các công trình kỹ thuật, xây dựng chiến lược và các chương trình thực hiện và tham gia thi công. Dự án này còn bao gồm cả một đánh giá quy hoạch sử dụng đất trong tương lai ảnh hưởng tới kế hoạch tái định cư và nếu khả thi thì ít nhất sẽ có 28ha đất có thể sử dụng được dưới lòng đất và hàng nghìn người sẽ có chỗ ở mới. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này dự kiến sẽ mất hai năm để hoàn thành và tốn gần 3 triệu bảng tiền kinh phí.
Nhu cầu về nhà ở lúc nào cũng là bài toán khó giải ở Hong Kong |
Một “ca” đặc biệt
Thật ra Hong Kong không phải là vùng đất duy nhất có ý tưởng này. Trước Hong Kong, có ít nhất 5 quốc gia có hệ thống ngầm cực kỳ hiện đại: Phần Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Singapore và Anh. Phần lớn các công trình ngầm đều có yếu tố an ninh. Ở Phần Lan thì phần lớn các công trình dưới lòng đất lại phục vụ cho kinh tế với một loạt các công xưởng hay các nhà máy đều nằm dưới lòng đất. Các công trình còn phục vụ cả dân sinh như sân bóng, trung tâm thể thao, rạp chiếu phim… Tuy nhiên, Hong Kong là một ca đặc biệt bởi các công trình ngầm dưới đất lại phục vụ cho việc… di dân. Các quan chức Hong Kong cũng đã đến Na Uy và Phần Lan để tham khảo. Họ đã đến thăm Cơ quan lưu trữ Quốc gia của Na Uy tại Thủ đô Oslo, một tòa nhà 4 tầng dưới lòng đất và họ cũng đã thăm tổ hợp thể thao Holmlia - nơi có một bể bơi, nhiều sân bóng và có khả năng chứa 7.000 người trong trường hợp khẩn cấp - cũng trong lòng đất tại Oslo. Mọi thứ thật sự là rất khả quan và phù hợp với môi trường ở Hong Kong.Các nhà hoạch định của Hong Kong cũng đang tham khảo thêm Nhật Bản và Hà Lan, những quốc gia từ lâu đã có nhiều công trình xây dựng dưới lòng đất, từ điện ngầm cho đến những nhà máy lọc dầu…
(Theo Cafeland/TTVH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet