Ngân hàng Thái Lan siết tín dụng vào bất động sản
Giới chuyên gia cho rằng quy định tín dụng mới và các chính sách vĩ mô khác là cần thiết để kiểm soát thị trường bất động sản (BĐS) Thái Lan trước tình trạng vay nợ nhiều rủi ro như hiện tại.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan (BOT) Veerathai Santiprabhob đã tiết lộ thông tin về khả năng cơ quan này sẽ nâng lãi suất cho vay trong thời gian tới. Đại diện BOT cho rằng việc duy trì mức lãi suất cực thấp (hiện tại ở mức 1,5%) là không cần thiết, không phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Trước đó, trong tháng 10, BOT cũng đã công bố kế hoạch thắt chặt các tiêu chuẩn bảo lãnh thế chấp nhằm cải thiện chất lượng tài sản thế chấp của các khoản vay mới phát sinh.
Ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ siết tín dụng vào BĐS để kiểm soát rủi ro nợ xấu và hạ nhiệt thị trường. Ảnh: TWStock/Shutterstock |
Trong một động thái được hãng xếp hạng tín dụng Moody's ca ngợi, BOT đã thông báo sẽ hạ giới hạn tỉ lệ cho vay trên giá trị (LTV) xuống còn 80% đối với các khoản vay thế chấp mua nhà trị giá hơn 10 triệu baht (304.000 USD) trong năm tới. Như vậy, người mua nhà sẽ phải trả trước ít nhất 20% khi kí hợp đồng. Giới hạn LTV tương tự sẽ áp dụng cho các giao dịch mua từ ngôi nhà thứ hai trở đi, bất kể giá trị.
Các ngân hàng Thái Lan cũng sẽ bị cấm cung cấp các khoản tạm ứng vượt quá giá trị của tài sản.
Giới chuyên gia cho rằng một môi trường cho vay lãi suất thấp sẽ cổ vũ cho hành vi đầu cơ bất thường trên thị trường BĐS Bangkok và nhiều khu vực khác của Thái Lan.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Bất động sản châu Á được tổ chức hồi đầu tháng này, bà Phonpimol Pathomsak, cố vấn công nghệ tài chính cho biết: “Tại Thái Lan, chúng tôi có nguồn cung nhà ở rất dồi dào, nhưng nhu cầu thực tế không phải là quá cao. Tôi nghĩ rằng các biện pháp hạ nhiệt thị trường là cần thiết.”
Theo bà Pathomsak, nợ hộ gia đình tại Thái Lan đang ở mức cao, tăng vọt khoảng 70-80% trong thời gian gần đây. Nhiều cơ quan tiền tệ báo cáo các khoản vay thế chấp không được hoàn trả đã tăng tới 3,39% trong quý II năm nay.
Theo ghi nhận của Moody’s, các khoản vay thế chấp chiếm 17% tổng số khoản vay toàn hệ thống và khoảng 50% số khoản vay bán lẻ vào cuối quý I năm nay.
Bà Pathomsak nhận định: “Tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để thực hiện một số biện pháp làm mát thị trường nhà đất. Tất nhiên, một số chủ đầu tư và các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá đột ngột. Mặc dù vậy, chúng ta sẽ tìm ra cách quản lý những hiệu ứng của các biện pháp này.”
Liên Hương
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet