Ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, chứng khoán trong năm 2013
Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, được đưa ra tại buổi tọa đàm “Tín dụng ngân hàng quý I và một số khuyến nghị chính sách” (Hà Nội ngày 7/5), nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết sẽ hạn chế cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán trong năm 2013.
Cụ thể, có đến 86,7% TCTD được điều tra dự kiến không tăng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tương tự với chứng khoán, 95,89% TCTD cho biết sẽ không tăng tín dụng cho lĩnh vực này. Kết quả điều tra cũng cho thấy đến 90% TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì và gia tăng cấp tín dụng cho nhóm khách hàng ưu tiên thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.
Về lãi suất, nhóm nghiên cứu nhận định việc giảm lãi suất chưa có tác động rõ rệt đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Bởi nhu cầu vay vốn của DN phụ thuộc vào năng lực sản xuất kinh doanh cũng như “sức khỏe” của chính DN đó. Do đó, nhân tố lãi suất đóng vai trò khá mờ nhạt trong sự biến động của nguồn tín dụng từ ngân hàng.
Bên cạnh đó, dư địa giảm trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm rất hạn hẹp. Vấn đề chính để khơi thông dòng tín dụng chủ yếu nằm trong các giải pháp đẩy mạnh khả năng tiếp cận cho DN, kích thích tổng cầu và xử ký nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng LienVietPostBank, cho hay nếu tiếp tục hạ lãi suất thì bẫy thanh khoản sẽ quay trở lại trong thời gian ngắn. Nếu lãi suất cho vay về mức khoảng 8%-9% thì lãi suất huy động sẽ còn 4%-6%. Với mức này, có nguy cơ người dân đổ xô đi rút tiền để chuyển sang kênh đầu tư khác.
“Và nếu người dân ồ ạt rút tiền, các ngân hàng lại rơi vào tình trạng mất thanh khoản, không loại trừ trường hợp ngân hàng lao vào cuộc đua lãi suất mới để bù đắp thanh khoản” - ông lo ngại.
Theo ước tính của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 các TCTD đã trả lãi tiền gửi, tiền vay khoảng 408.000 tỉ đồng và thu lãi từ tiền cho vay khoảng 420.000 tỉ đồng. Như vậy, chênh lệch thu - chi toàn ngành ngân hàng trong năm 2012 chỉ hơn 20.000 tỉ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008, bằng khoảng 40% năm 2011. Các chỉ số hiệu quả kinh doanh cũng chỉ bằng 40% so với năm 2011. Do đó, nhiều TCTD không chia cổ tức hoặc có tỉ lệ chia cổ tức thấp (dưới 10%).
Cơ quan này nhận định nếu tình hình kinh tế không được cải thiện trong năm 2013 thì hoạt động ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn do nợ xấu và chi phí hoạt động gia tăng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet