Ngắm những công trình kiến trúc tuyệt đẹp ở Bruges sau cơn mưa
Sau cơn mưa, thành phố Bruges vốn đã yên tĩnh càng trở nên lặng lẽ. Dòng kênh xanh miệt mài chảy qua năm tháng, những ngôi nhà nhỏ mái ngói đỏ nằm yên bình soi bóng trên mặt nước. Vài chú chim chuyền cành lích chích trên những vòm cây bắt đầu trổ lá. Tôi biết kể gì với bạn về thành phố xinh đẹp mà nhỏ như lòng bàn tay con gái này?
Sống ở nước Anh - xứ đảo đã lâu, thỉnh thoảng, tôi lại thấy nhớ da diết cái không khí của châu Âu lục địa. Và trong những buổi sớm mai gió mát và trong, ngồi nhâm nhi một ly café trên vỉa hè đầy nắng đợi một ngày mới thong thả đi qua, nỗi nhớ ấy thường đưa tôi đến với Bruges – thành phố của nước Bỉ, được mệnh danh là “Venice của phương Bắc”.
Không giống với muôn vàn các thành phố bên bờ kênh khác ở Âu châu, Bruges không ồn ào như Amsterdam, không lộng lẫy như Stockholm, không kiều diễm như Venice. Và ngay cả chuyện thủ phủ xứ Tây Flanders đã đón tôi bằng những trận mưa đỏng đảnh của một người đẹp biết hờn dỗi nhưng tôi đã đến và đã yêu Bruges như thể người ta yêu một ly rượu vang đỏ từ ngụm đầu tiên, như nếm một thanh sô cô la ngọt ngào từ đầu lưỡi. Một tình yêu nhẹ nhàng mà không kém phần sâu đậm.
Tôi bắt đầu một ngày mới ở Bruges bằng việc đi thuyền ngắm thành phố bình yên sau cơn mưa. Những lời giới thiệu của anh hướng dẫn viên trên thuyền trôi tuột đâu mất, tôi thu mình trong một góc nhỏ của chiếc cano ngắm dòng kênh xanh ngắt và thả hồn cho mây gió xứ này.
Ngắm những kiến trúc cổ kính của Bruges trong hiện tại khiến người ta dễ dàng liên tưởng tới quá khứ huy hoàng của thành phố này.
Suốt từ thế kỉ 12 tới thế kỉ 15, Bruges từng là trung tâm giao thương nhộn nhịp với hệ thống kênh rạch thích hợp cho tàu bè qua lại. Bruges nổi tiếng khắp châu Âu nhờ các sản phẩm len và vải bông chất lượng cao. Những thương gia Bruges là những người đầu tiên áp dụng các phương thức giao thương mới bao gồm thư tín dụng và các đơn cam kết trao đổi.
Thành phố đặc biệt hiếu khách với các thương gia nước ngoài trong đó chủ yếu là các thương gia buôn bán gia vị và hạt tiêu người Bồ Đào Nha. Tuy nhiên những thăng trầm của lịch sử cộng với nguyên nhân tự nhiên khi dòng Zwin-dòng kênh đào chiến lược của Bruges bị nghẽn bùn khiến cho thành phố chìm dần vào suy thoái. Sự trỗi dậy của thành phố “hàng xóm” Antwerp khiến cho Bruges càng thu hẹp hơn, dân số giảm từ 200.000 người xuống còn 50.000 người vào những năm 1900. Từ một trung tâm thương mại phồn thịnh, Bruges rớt xuống là một trong những thành phố nghèo nhất nước Bỉ, tới mức tiểu thuyết gia George Rodenback còn ví von Bruges là thành phố Chết trong cuốn tiểu thuyết Bruges-la-Morte của mình.
Tuy nhiên người Bruges đã không chịu nhìn tất cả quá khứ vàng son của mình chìm vào quên lãng. Ngược lại, vào thế kỉ 20, người dân nơi đây đã nhận thấy cơ hội tuyệt vời có thể kinh doanh những di sản quý báu của quá khứ, biến Bruges trở thành một trong những trung tâm du lịch phổ biến nhất của châu Âu.
Trên những dòng kênh xanh mướt của thành phố không còn những tàu buôn tấp nập mà thay vào đó là những cano trắng nhỏ xinh phục vụ khách du lịch khắp nơi từ Pháp, Anh, Ý cho tới Nhật Bản, Hoa Kỳ…. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi soi bóng bên bờ kênh trở thành những nhà nghỉ xinh xắn. Từ năm 2000, khu vực trung tâm của Bruges với những kiến trúc đặc sắc từ thời Trung cổ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Sau 30 phút đi thuyền, tôi lên bờ và đi dạo quanh những con phố nhỏ lát đá xám rồi lòng vòng đến quảng trường lớn Grote Markt. Quảng trường này là trung tâm giao thương của thành phố với những phiên chợ hàng tuần từ những năm 958. Nằm ngay giữa quảng trường là hình ảnh của Jan Breydel và Pieter de Coninck, những nhân vật hàng đầu trong cuộc kháng chiến chống sự chiếm đóng của quân Pháp vào năm 1302.
Quảng trường lớn Grote Markt |
Ít người biết rằng, trong số những tòa nhà mang đậm nét kiến trúc trung cổ ở khu vực này có một nơi đặc biệt gắn liền với lịch sử của thành phố, đó là quán café Craenenburg. Chính ở tòa nhà này vào năm 1488 lãnh đạo của thành phố khi ấy đã quyết định giam gữ người nối ngôi của vương triều Hapsburg Maximilian vì đã hạn chế những đặc quyền của họ. Sau này khiMaximilian trở thành hoàng đế, ông đã quyết định trả thù bằng cách chuyển trung tâm giao thương về Antwerp.
Nhà thờ Church of our Lady |
Bên trong nhà thờ Church of our Lady |
Nổi bật trong những công trình tôn giáo quan trọng của Bruges là Nhà thờ Church of our Lady với tháp chuông bằng gạch cao tới 122.3m. Trên quảng trường là công trình điêu khắc độc đáo Madonna và Đứa trẻ của Michelangelo. Người ta kể rằng khi sinh thời, đây là tác phẩm điêu khắc duy nhất của Italy được được đặt bên ngoài biên giới nước Ý.
Từ khu quảng trường Markt, khi sang tới phố Vlamingstraat, bạn có thể thăm nhà thờ Máu thiêng Heilig-Bloedbasiliek. Nơi đây vốn là một thánh tích và hiện còn lưu giữ một lọ máu nhỏ được cho rằng của Chúa, được mang đến đây sau cuộc Thập tự chinh vào khoảng từ năm 1150 tới năm 1200. Nhà thờ này gồm hai nhà nguyện với kiến trúc tương đối khác biệt. Nhà nguyện phía trên theo phong cách Gothic trong khi đó nhà nguyện phía dưới có phong cách kiến trúc Roman.
Thánh tích nhà thờ Máu thiêng Heilig-Bloedbasiliek |
Chia tay những nhà nguyện uy nghi, những công trình tôn giáo cổ kính với tháp chuông in đậm trên bầu trời xanh thẳm, tôi để mình đi lạc giữa những con phố nhỏ vắng vẻ. Không còn sự ồn ào của khách du lịch, không có tiếng xe ngựa lộc cộc ở khu trung tâm, chỉ còn mình tôi lặng lẽ đi giữa vạt nắng nhẹ cuối ngày.
Trước khi ra về, nếu như ở bất kì nơi nào khác trên đất Ý, đất Pháp tôi sẽ tự thưởng cho mình một ly café thơm phức, nhưng không thể nào rời đất Bỉ mà không một lần bồng bềnh phiêu đãng cùng những ly bia vàng óng của xứ này. Có rất nhiều loại bia được sản xuất ở vùng này trong đó phải kể tới những cái tên như Brugse Zot và Brugse Straffe Hendrik. Trên chiếc bàn nhỏ, tôi chầm chậm nhấp từng ngụm bia như muốn lưu lại mãi những cảm xúc ngọt ngào của thành phố.
Sau cơn mưa, nắng lên và lòng tôi thấy tưng bừng đến lạ!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet