Ngắm những công trình Giải thưởng Kiến trúc quốc gia
Ngày 16/4/2013, tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN), 23 Đinh Tiên Hoàng, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội; Hội KTSVN đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình kỷ niệm 65 năm thành lập Hội KTSVN, và chính thức công bố Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (KTQG) năm 2012.
Sau 18 năm tổ chức, lần đầu là năm 1994, 2 năm xét giải 1 lần; đây là Giải thưởng KTQG lần thứ 10. Giải thưởng KTQG do do Hội KTSVN, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao –Du lịch) đồng tổ chức.
Công trình Dolphin Plaza (Hà Nội) - Giải nhất – Tác giả: DP Architects Pte Ltd (Singapore) |
Hội đồng Giải thưởng KTQG 2012, do kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTSVN là Chủ tịch hội đồng, đã quyết định trao giải thưởng chính thức cho 38 công trình, tác phẩm kiến trúc, được phân thành các chuyên ngành: Quy hoạch, kiến trúc công trình, nội ngoại thất và ấn phẩm kiến trúc; trong đó có 01 giải nhất, 05 giải nhì, 17 giải ba và 15 giải khuyến khích. Hội đồng cũng trao 02 giải cho 02 nhóm KTS trẻ (08 KTS) và 03 giải tập thể cho 03 đơn vị, doanh nghiệp tư vấn thiết kế.
Nhìn vào Giải thưởng KTQG năm 2012; cũng có thể nhìn nhận lại cả 18 năm cùng 10 lần trao giải thưởng KTQG, chúng ta có thể thấy nhiều điều thú vị và cũng đáng suy ngẫm.
Giải thưởng lớn vẫn xa vời
Trong quy chế Giải thưởng KTQG, có giải thưởng lớn. Công trình được giải thưởng lớn là tác phẩm có giá trị nổi trội trong các thể loại, có ý tưởng sáng tạo đặc biệt, có tính xã hội sâu sắc, có giá trị khoa học và nghệ thuật kiến trúc cao, ứng dụng những giải pháp, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng trước mắt và lâu dài, tiêu biểu cho hoạt động sáng tác kiến trúc Việt Nam trong những năm gần đây.
10 lần trao Giải thưởng KTQG trong 18 năm qua, giải thưởng lớn vẫn xa vời với những kiến trúc sư Việt Nam và những công trình đã được xây dựng trên đất nước. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong 18 năm qua, đã có 3 kỳ trao giải mà không có giải nhất, đó là các năm: 1998, 2004, 2008.
Trong các ngành văn học nghệ thuật khác, giới nghệ sỹ vẫn đang nỗ lực để kiếm tìm những tác phẩm xứng tầm thời đại, mà cũng chưa thấy. Nếu coi kiến trúc là một người anh em trong đại gia đình văn học - nghệ thuật, thì có lẽ những KTS sẽ khó khăn hơn nhiều để có một tác phẩm xứng tầm thời đại.
Giải nhất năm 2012 và vài thống kê thú vị
Giải nhất Giải thưởng KTQG 2012 thuộc về công trình Dolphin Plaza (Từ Liêm, Hà Nội). Đây có thể là một điều bất ngờ với nhiều người trong giới. Bởi lẽ, giải nhất (hoặc giải cao nhất) thường dễ rơi vào những công trình lớn, trọng điểm của Nhà nước, sử dụng vốn ngân sách; những công trình văn hoá, biểu tượng có nhiều thuận lợi trong việc triển khai ý tưởng tạo hình kiến trúc; hoặc những công trình có lợi thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên... Điều đó đã được chứng minh qua các kỳ giải thưởng trước, như Công trình Đài tưởng niệm Tuyên Quang (giải nhất 1996), Công trình Nhà ga T1 cảng hàng không Nội Bài (giải nhất 2002), công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia (giải nhất 2006), công trình Nhà ga cảng hàng không Liên Khương – Đà Lạt (giải nhất 2010)…
Dolphin Plaza (DP Architects Pte Ltd – Singapore thiết kế) - công trình đoạt giải nhất Giải thưởng KTQG 2012 là một tổ hợp Dịch vụ - thương mại - nhà ở, và là một dự án kinh doanh thuần tuý. Nó không hề có những thuận lợi gì khác như những công trình dành giải nhất, giải cao trước đó. Nếu xem xét kỹ, dự án này còn nằm trong một hiện trạng quy hoạch không hề sáng sủa, thuận lợi. Và bản thân thể loại dự án, công trình này có quá nhiều đến mức bão hoà, chìm lẫn.
Để dành điểm cao, Dolphin Plaza đã có một thiết kế có tính khoa học rất xuất sắc, hơn là những ý tưởng tạo hình kiến trúc thông thường. Với Dolphin Plaza, đây là lần thứ 2 mà công trình thuộc loại dự án kinh doanh thuần tuý dành giải nhất Giải thưởng KTQG. Trước đó, năm 2000, công trình Khu du lịch Sài Gòn – Mũi Né (KTS Nguyễn Văn Tất) dành vị trí này. Còn lại, các giải nhất khác đều là những công trình “trọng điểm” vùng hay quốc gia, các công trình “đặc biệt”, các công trình sử dụng vốn ngân sách.
Dolphin Plaza cũng ghi dấu ấn lần thứ 2 tư vấn nước ngoài dành giải nhất Giải thưởng KTQG của Việt Nam. Lần thứ nhất là năm 2006, Liên danh GMP Internatinal GmbH – Inros Lackner AG (CHLB Đức) dành giải nhất với công trình Trung tâm hội nghị Quốc gia.
Giải nhất của dự án Dolphin Plaza là lần thứ 3 mà hai kỳ trao giải liên tiếp cùng có giải nhất. Đó là các kỳ 1994-1996; 2000-2002 và lần này: 2010-2012
Dolphin Plaza là dự án cao tầng trong đô thị (thể loại công trình cao ốc, với 28 tầng) đầu tiên dành giải nhất Giải thưởng KTQG. Các công trình dành giải nhất trước đó (8 công trình trong 6/9 kỳ trao giải) đều cao không quá… 5 tầng
Dolphin Plaza là công trình thứ 5 ở địa bàn Hà Nội dành giải nhất Giải thưởng KTQG, trong tổng số 9 công trình đã được trao giải nhất; 4 công trình còn lại thuộc 4 địa điểm khác nhau là: Campuchia (nước ngoài), Tuyên Quang, Bình Thuận, Lâm Đồng. Các công trình trước đó ở Hà Nội là: Khu nhà ở ngoại giao đoàn (giải nhất 1994); Nhà ga T1 cảng hàng không Nội Bài (giải nhất 2002), Trung tâm hội nghị Quốc gia (giải nhất 2006), Trường THPT Chuyên Hà Nội – Armsterdam (giải nhất 2010).
Những gương mặt, và những công trình
Nhìn vào danh mục kết quả Giải thưởng KTQG 2012, và xem những công trình đoạt giải; khó có thể có những nhận định chính xác toàn diện; bởi cũng như nhiều giải thưởng khác; Giải thưởng KTQG cũng có tính cơ cấu; trong đó việc phân theo chuyên ngành là một tiêu chí xét giải, bên cạnh đó là những yếu tố cơ cấu “bất thành văn” khác. Xét cho cùng, điều đó là hợp lý, bởi đây không phải là cuộc đấu thắng thua, mà là cơ hội để giới KTS nhìn lại mình và động viên lẫn nhau trên con đường nghề nghiệp. Bản thân Hội KTSVN và Hội đồng Giải thưởng KTQG cũng ghi nhận là chưa vận động được hết các tác phẩm, tác giả tốt, xuất sắc tham gia để cho Giải thưởng tăng thêm chất lượng.
Dẫu vậy, nhìn chung, Giải thưởng KTQG 2012 cũng ghi nhận được nhiều công trình kiến trúc có giá trị về mặt chuyên môn nghề nghiệp, có ý nghĩa xã hội cao. Các công trình đoạt giải cao khác đáng chú ý có thể kể tới các công trình: Bảo tàng Đăk Lăk (Đăk Lăk, KTS Nguyễn Tiến Thuận, giải nhì); Nhà hội nghị Đại Lải (Vĩnh Phúc, KTS Võ Trọng Nghĩa, giải nhì), Nhà ga hành khách cảng hàng không Cần Thơ (Cần Thơ, CPG Consultants Pte Ltd – Singapore, giải nhì), Chung cư mỏng (Bắc Giang, KTS Hoàng Thúc Hào & KTS Nguyễn Duy Thanh, giải ba), Vườn tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long, KTS Nguyễn Văn Tất & KTS Lê Hiệp, giải ba)…
Công trình Bảo tàng Đăk Lăk (Đăk lăk) - Giải nhì – Tác giả: KTS Nguyễn Tiến Thuận
|
Công trình Nhà hội nghị Đại Lải (Vĩnh Phúc) - Giải nhì – Tác giả: KTS Võ Trọng Nghĩa
|
Công trình Nhà ga cảng hàng không Cần Thơ (Cần Thơ) - Giải nhì – Tác giả: CPG Consultants Pte Ltd (Singapore)
|
Công trình Vườn tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) - Giải ba - Tác giả: KTS Nguyễn Văn Tất, KTS Lê Hiệp
|
Công trình Quán Café S (TP HCM) - Giải ba – Tác giả: KTS Trần Anh Đoàn và cộng sự
|
Công trình “Chung cư mỏng”(Bắc Giang) - Giải ba – Tác giả: KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Nguyễn Duy Thanh và cộng sự
|
Công trình Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) – Tác giả: KTS Nguyễn Anh Tuấn, KTS Nguyễn Hoàng Sơn |
Ở Giải thưởng KTQG 2012, nhiều gương mặt quen thuộc tiếp tục khẳng định tài năng và thương hiệu của mình trên thị trường tư vấn thiết kế. Một số tác giả mới cũng đang trở nên quen thuộc…
KTS Nguyễn Văn Tất (TP Hồ Chí Minh) vẫn bền bỉ sáng tạo và ghi tên mình vào bảng vàng Giải KTQG. Công trình Vườn tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đồng tác giả với KTS Lê Hiệp) đạt giải ba. Đây là lần thứ 10 liên tiếp KTS Nguyễn Văn Tất nhận giải, và đã nhận giải ở đủ các thứ hạng với đa dạng thể loại công trình nhất. Ông cũng là người duy nhất nhận giải ở tất cả các kỳ Giải thưởng KTQG.
KTS Nguyễn Tiến Thuận (ĐH Kiến trúc Hà Nội) cũng đoạt giải cao (giải nhì) với công trình Bảo tàng Bảo tàng Đăk Lăk. Trước đó, năm 2004, ông dành giải nhì (không có giải nhất) với công trình Toà nhà Trung tâm - Trung tâm hội chợ và triển lãm thương mại và văn hoá Hải Phòng.
Một gương mặt khác, từ nước ngoài, nhưng đã quen thuộc với giới KTS Việt Nam là các các KTS Meinhard fon Gerkan và KTS Nikolaus Goetze (Liên danh Liên danh GMP Internatinal GmbH - Inros Lackner AG, CHLB Đức) dành giải ba với công trình Trụ sở Bộ Công an. Nhóm tác giả này đã thực hiện hai dự án rất lớn, đặc biệt trước đó; là công trình Trung tâm hội nghị Quốc gia (giải nhất 2006) và công trình Bảo tàng Hà Nội (giải nhì 2010)
Các KTS Đoàn Kỳ Thanh, KTS Hoàng Thúc Hào; từng được coi là KTS trẻ tài năng; giờ đã qua tuổi trẻ và vẫn giữ được phong độ và vẫn là những gương mặt quen thuộc ở Giải thưởng KTQG. Ở giải thưởng lần thứ 10 này, KTS Đoàn Kỳ Thanh dành 1 giải ba và 1 giải khuyến khích. KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự dành 2 giải ba và 1 giải khuyến khích. Đặc biệt, công trình “Chung cư mỏng” (Bắc Giang, giải ba) của KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự thể hiện một cách nhìn, quan điểm mới mẻ về chung cư trong bối cảnh việc xây dựng chung cư đang thiếu sáng tạo đến bế tắc.
Xu hướng kiến trúc sinh thái đã và đang hiện rõ nét và mạch lạc hơn, là hướng đi của của nhiều tác giả, đặc biệt là những kiến trúc sư trẻ với nhiều sáng tạo. Trong số những gương mặt trẻ này, không thể không nhắc tới KTS Võ Trọng Nghĩa. Là một KTS trẻ (sinh năm 1976) và có thời gian hành nghề chưa lâu ở Việt Nam so với nhiều KTS đã có thâm niên, nhưng KTS Võ Trọng Nghĩa đã khẳng định một hướng đi riêng đầy sáng tạo. Kiên trì theo đuổi với vật liệu và kết cấu của tre, ứng dụng khí động học trong công trình, hướng tới kiến trúc xanh, bền vững…; Võ Trọng Nghĩa liên tiếp gặt hái những thành công ở tầm thế giới qua những công trình độc đáo và đầy cá tính. Đến thời điểm này, anh là KTS Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất trong lịch sử kiến trúc hiện đại Việt Nam.
Ở giải thưởng này, KTS Võ Trọng Nghĩa dành giải nhì với công trình Nhà hội nghị Đại Lải (Vĩnh Phúc), cũng với kết cấu tre; và giải khuyến khích với công trình Biệt thự đá (Quảng Ninh). Trước đó, ở Giải thưởng KTQG; Võ Trọng Nghĩa dành giải nhì năm 2006, giải nhì năm 2008 cũng với những công trình độc đáo bằng vật liệu tre.
Những gương mặt trẻ khác có thể kể tới là KTS Nguyễn Hoà Hiệp (1978), dành giải ba với công trình Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Nha Trang. Cũng như KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Nguyễn Hoà Hiệp cũng theo đuổi kiến trúc xanh với vật liệu tre. Trong năm 2012, công trình Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Nha Trang (và 1 công trình khác là “Lam Café”) của KTS Nguyễn Hoà Hiệp đã nhận giải thưởng “Kiến trúc xanh” của Hội KTSVN.
KTS Trần Anh Đoàn (1977) cùng cộng sự dành giải ba với công trình Quán Café S (TP HCM). Ở kỳ giải trước, năm 2010, KTS Trần Anh Đoàn đã nhận giải khuyến khích với một công trình quán café khác có tên là Miền Đồng Thảo.
Niềm tin cho kiến trúc Việt Nam trong tương lai?
Giải thưởng KTQG lần thứ 10 – năm 2012; với công trình Dolphin Plaza nhận giải nhất; đã cho thấy phần nào một cách nhìn khá mới mẻ trong việc nhận định, đánh giá và phê bình kiến trúc. Điều đó cũng chứng minh rằng: Công trình ở thể loại nào cũng có thể là công trình xuất sắc; một công trình ở thể loại tưởng khô khan như công trình thương mại; hay nhỏ như quán café cũng có thể là tác phẩm kiến trúc. Và những gương mặt, những công trình qua Giải thuởng KTQG 2012, cũng cho thấy ít nhiều những điểm sáng lạc quan trong bức tranh kiến thiết chung về cơ bản vẫn còn nhiều mảng tối.
Giải thưởng KTQG lần thứ 10 – năm 2012 có thể coi như điểm mốc của một chặng đường, và thực tế đã ghi nhận nhiều nỗ lực của giới KTS Việt Nam. Giải thưởng cũng cho thấy có nhiều thay đổi trong việc nhìn nhận kiến trúc - xã hội theo xu hướng tích cực, bình đẳng và hội nhập; để có thể hy vọng, đặt niềm tin vào giới KTS Việt Nam và nền kiến trúc Việt Nam trong tương lai.
Lễ trao Giải thưởng KTQG lần thứ 10 – năm 2012 sẽ diễn ra vào ngày 25/4/2013 tại Hà Nội, trong dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội KTSVN và chào mừng Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet