Năm 1999 khi có kế hoạch mở đường, do điều chỉnh lộ giới mới nên phần đất dư phía trước gia đình cũng đã hợp thức hóa năm 2004 theo nghị định 961, sau khi trừ phần diện tích bên hông nhà vi pham quy hoạch hẻm dự kiến. Nay gia đình tôi xin phép xây dựng trên phần diện tích đã hợp thức hóa (thể hiện sổ đỏ năm 2004) thì được UBND Q.1 cấp phép xây dựng với quy mô 5 tầng.

Xin hỏi phần nhà còn lại theo hiện hữu (2 tầng, kết cấu không liền khối với công trình mới, xây dựng thời điểm mở đường 1999), chưa có kế hoạch thực hiện mở rộng hẻm, tôi có được phép giữ nguyên trạng sử dụng hay không?

Phần diện tích vi phạm hẻm, tôi có cam kết tự tháo dỡ khi Nhà nước yêu cầu thực hiện quy hoạch, vậy khi Nhà nước thực hiện quy hoạch hẻm, phần diện tích (1 phần diện tích vi phạm hẻm giới, đã hóa giá thời điểm năm 1991) có được hỗ trợ bồi thường? ([email protected])


Trả lời

Căn cứ quy định tại điều 8 nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3-12-2004 và điều 8 quyết định 35/2010/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 28-5-2010, người bị thu hồi đất sẽ được bồi thường đối với phần diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng có một trong các giấy tờ hợp lệ được quy định tại các điều luật này, ví dụ như giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với đất ở.

Trong trường hợp của bạn, tuy vi phạm hẻm giới nhưng phần diện tích đất nào đã được hóa giá và cấp giấy chứng nhận thì cũng thuộc trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định.

Đối với nhà xây dựng trên đất, theo thông tin bạn trình bày là được xây dựng từ năm 1999, vào thời điểm này đã có quy hoạch hẻm nhưng chưa triển khai thực hiện.

Bạn không nêu rõ việc xây dựng có giấy phép xây dựng hay không, nhất là đối với phần diện tích vi phạm quy hoạch hẻm, nhưng với việc bạn được xây dựng và có cam kết tự tháo dỡ khi Nhà nước thực hiện quy hoạch thì có thể hiểu bạn được phép xây dựng tạm.

Theo đó, căn cứ quy định tại điều 5 thông tư 03/2009/TT-BXD ngày 26-3-2009 của Bộ Xây dựng và điều 8 của quyết định 68/2010/QĐ-UBND ngày 14-9-2010 của UBND TP.HCM thì công trình được phép tồn tại cho đến khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, khi đó bạn phải tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và bạn phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình, đồng thời phần công trình xây dựng này sẽ không được bồi thường.


Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân
(Theo TTO)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME