Nâng cao chất lượng quy hoạch tại Quảng Ninh
Việc triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thực hiện phân cấp cho các địa phương vì vậy đã đáp ứng nguyện vọng và phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn.
Đảm bảo định hướng cho sự phát triển
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn tỉnh, tính đến tháng 4-2012 toàn tỉnh có 32 quy hoạch được lập mới, trong đó: 12 quy hoạch tổng thể KT-XH các huyện, thị xã, thành phố; 14 quy hoạch ngành và 6 quy hoạch chung xây dựng. Trong số 32 quy hoạch này có 4 quy hoạch thuê tư vấn nước ngoài, 17 quy hoạch đã có quyết định phê duyệt đề cương, 6 quy hoạch đang trình đề cương, 4 dự kiến sẽ triển khai. Và tính đến thời điểm hiện tại thì chưa có quy hoạch nào được phê duyệt.Đánh giá về kết quả công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các quy hoạch điều chỉnh, bổ sung của tỉnh, các địa phương và các ngành về cơ bản đã bám sát yêu cầu phát triển của địa phương, đã xác định được các chỉ tiêu chung của tỉnh về KT-XH và môi trường làm căn cứ cho địa phương xây dựng chỉ tiêu phát triển KT-XH các thời kỳ 2015-2020. Tạo tiền đề cho các quy hoạch chung xây dựng của các địa phương theo định hướng không gian phát triển. Điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho các dự án đầu tư phát triển, giành quỹ đất sạch cho các dự án ưu tiên theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh ...
Để việc triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch hiệu quả, tỉnh đã tiến hành thực hiện phân cấp cho các địa phương vì vậy đã đáp ứng nguyện vọng và phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn. Chủ trương phân cấp cũng đã góp phần rút ngắn thời gian, các bước thẩm định dự án quy hoạch, giảm chi phí, thời gian xây dựng và chất lượng quy hoạch được nâng cao.
Đồng thời, với những quy hoạch được phân cấp về địa phương đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và trình độ chuyên môn cho cán bộ công chức là đầu mối thẩm định. Sau khi phê duyệt các quy hoạch đều được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định quy định của pháp luật. Và cũng trên cơ sở các dự án quy hoạch được duyệt, tỉnh cùng các huyện, thị xã, thành phố đã cụ thể hoá các mục tiêu định hướng trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH cấp tỉnh và huyện để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố qua các thời kỳ…
Xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Chính vì vậy thể hiện tốt công tác định hướng phát triển các vùng kinh tế, các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trong từng thời điểm (giai đoạn) cụ thể. Công tác giám sát thực hiện quy hoạch được tăng cường và từng bước đi vào nền nếp. Nhất là trong đầu tư phát triển các công trình trọng điểm mang tính đột phá, kích thích và khai thác mạnh tiềm năng, lợi thế của mỗi khu vực (theo phân vùng không gian kinh tế tại quy hoạch) đều được xem xét trên cơ sở quy hoạch được duyệt và có tính tới thứ tự ưu tiên đầu tư. Việc xây dựng định hướng phát triển trong thời kỳ kế hoạch (1 năm, 5 năm) cũng được dựa trên tình hình thực tế thực hiện của năm trước và định hướng dài hạn theo Quy hoạch…
Những bất cập cần tháo gỡ
Cũng theo đồng chí Trần Đức Lâm thì tồn tại lớn nhất trong công tác lập quy hoạch của các ngành, các địa phương thời gian qua đó là sự phối hợp chưa nhịp nhàng dẫn đến một số quy hoạch có sự chồng chéo giữa các ngành và các địa phương. Chất lượng một số đơn vị tư vấn còn yếu kém, tình trạng lập quy hoạch kéo dài trong nhiều năm và phải điều chỉnh, bổ sung số liệu nhiều lần. Chất lượng, hiệu lực quy hoạch chưa cao, chưa có dự báo chính xác, các chỉ tiêu quá chi tiết dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh quy hoạch.Quy hoạch xây dựng chung của các địa phương sau khi được phê duyệt để làm căn cứ cho kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, song đến khi tiến hành triển khai thực hiện nảy sinh tình trạng chồng lấn khó thực hiện. Ngoài những tồn tại này thì thời gian qua việc thẩm định đánh giá báo cáo tác động môi trường của các quy hoạch còn nhiều khó khăn và bất cập. Nhất là đối với các báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay mới chỉ quan tâm đến tác động có hại trực tiếp, trước mắt. Các phương án giảm thiểu tác động thì quá sơ sài, hoặc thiếu tính khả thi, hoặc chỉ là lời hứa hẹn không có cơ sở.
Nguyên nhân của tình trạng này được các cơ quan chuyên môn của tỉnh phân tích đó là do hiện nay, có ba nhóm quy hoạch được điều chỉnh bởi ba hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gồm cả quy hoạch vùng, địa phương, lãnh thổ đặc biệt và quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu quy định tại Nghị định 92, 04 của Chính phủ, Thông tư 01, 03 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; quy hoạch sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai 2003, Nghị định 181 của Chính phủ; quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị quy định tại Luật Xây dựng 2005, Nghị định 08 của Chính phủ, Thông tư 07 Bộ Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các Nghị định hướng dẫn khác.
Chính vì những quy định về nguyên tắc và căn cứ lập quy hoạch hiện nay dựa vào quá nhiều căn cứ mà các cơ sở pháp luật này lại không còn phù hợp với thực tế gây khó khăn công tác lập quy hoạch. Cộng với đó những quy định tại các văn bản luật lại chưa rõ ràng cụ thể. Các luật chuyên ngành chỉ quy định chung do vậy thiếu căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng của mình làm cơ sở cho việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra khiến cho công tác quản lý quy hoạch chưa được thực hiện đầy đủ, đồng bộ.
Nhận rõ những hạn chế này ngoài việc thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch lớn trên địa bàn, tỉnh đã có kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đã đến niên hạn làm mới, điều chỉnh, bổ sung. Coi đây là cơ sở, căn cứ định hướng cho sự phát triển trên chặng đường phục vụ cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới.
(Theo Báo Quảng Ninh)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet