Nản lòng vì làm mãi không mua nổi nhà Sài Gòn
Không đơn thuần chỉ là vấn đề nguồn cung, quỹ đất, yếu tố lợi nhuận đánh vào nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người dân đang khiến giá BĐS leo thang qua các năm và khó có khả năng giảm.
Thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng, một mức được xem là khá nhưng chị Nguyệt (Bình Chánh, TP.HCM) cảm thấy bản thân sẽ khó hoàn thành ước mơ mua nhà tại TP.HCM. Sống tại đây gần 10 năm, chị và con trai vẫn phải đi ở trọ do không đủ tiền mua nhà và lo sợ áp lực vay mượn. “Phí sinh hoạt ngày càng cao, trước kia mỗi tháng tiêu khoảng 10 triệu, giờ ít nhất cũng 12 triệu. Tiền nhà, tiền ăn, tiền học cho con…, tháng nào tốt thì dư ra được 6-7 triệu. Nếu mua nhà khoảng 1 tỷ thì mình còn dám đi vay ngân hàng, cao hơn nữa thì tiền đâu trả lời, trả lãi”, chị Nguyệt than thở.
Trong tâm trạng mua nhà thất bại, vợ chồng anh Tuấn (Phú Xuân, Nhà Bè) cho hay, sau 8 năm làm việc tại Sài Gòn, công việc thăng tiến tốt giúp thu nhập bình quân cả hai vợ chồng anh được gần 45 triệu/tháng. Đầu năm 2019 thấy số tiền trả góp hàng tháng nằm trong khả năng thu nhập của gia đình nên vợ chồng anh mua căn hộ gần 1,6 tỷ tại quận 9, TP.HCM. Tuy nhiên, tháng 4/2020, Covid-19 làm vợ anh thất nghiệp, anh bị giảm lương khiến thu nhập của gia đình cắt giảm gần 50%. Chi phí sinh hoạt mỗi tháng đã hơn 15 triệu, trừ các khoản phát sinh thêm thì mỗi tháng anh dư ra chưa đến 4 triệu, không đủ thanh toán khoản vay mua nhà gần 11 triệu/tháng. Hết cách, Tuấn đành bán cắt lỗ căn hộ sắp hoàn thành của mình. “Tôi tiếc căn hộ mình đã góp mua gần 2 năm, sắp hoàn thiện xây dựng mà bán không lời được đồng nào. Khổ nhất là sau này nếu muốn mua lại một căn giống vậy, chi phí bỏ ra sẽ không chỉ là 1,6 tỷ như năm 2019”, anh Tuấn cho hay.
Giá nhà tăng quá nhanh, nhất là trong tình hình nền kinh tế cả nước vẫn đang chịu tổn thương vì Covid-19 khiến giấc mơ an cư ngày càng xa rời tầm tay người mua nhà. Số liệu báo cáo từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy, giá bán căn hộ trung cấp (2 phòng ) tại TP.HCM hiện vào khoảng 2,5 tỷ đồng, tương đương tầm 35 triệu đồng/m2. Trong khi đó, với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân, khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, trên dưới 100 triệu đồng/năm. Như vậy giá nhà hiện nay đang cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập thực tế. Một nghiên cứu trước đó của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện nay cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.
Giá căn hộ và nhà phố tại TP.HCM liên tục tăng qua các năm khiến người lao động khó có cơ hội mua được nhà nếu không có hỗ trợ tài chính từ gia đình.
Khảo sát thực tế thị trường của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá bán những dự án BĐS trong năm 2020 cũng tuân theo nguyên lý, dự án bán sau giá luôn cao hơn dự án trước. Đơn cử, tại khu vực trung tâm quận 10, dự án Kingdom 101 vừa bàn giao nhà và đang được sang tay thứ cấp với giá từ 70-90 triệu/m2. Ngay khu đất sát cạnh bên, Sunshine Continental của Tập đoàn Sunshine Group chỉ mới quy hoạch nhưng có giá rumor lên đến 120 triệu/m2. Một dự án căn hộ nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng, quận 1 từng được chào bán với giá 300 triệu/m2, mức giá xem là kỷ lục trong năm 2019 thì đến 2020, một căn hộ hạng sang triển khai tại giao lộ Lê Thị Hồng Gấm – Nguyễn Thái Bình, quận 1 có giá rumour lên tới 23.000 USD/m2 tức khoảng 500 triệu/m2.
Không riêng vùng lõi đô thị, nơi quỹ đất khan hiếm đắt đỏ khiến việc tăng giá là điều hiểu nhiên, nhiều quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè quận 9, Thủ Đức và quận 12 giá nhà cũng tăng lên từ 35-45 triệu/m2, trong khi cách đây 2 năm khu vực này vẫn còn nhiều dự án giá tầm 25-30 triệu/m2. Riêng quý 3/2020, theo JLL Việt Nam, giá bán nhà chung cư trên thị trường sơ cấp TP.HCM đạt trung bình gần 53 triệu/m2, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2019. Đây cũng là mức tăng cao hơn biên độ trung bình của thị trường căn hộ phía Nam 5 năm qua.
Theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty DKRA Việt Nam, trong 5 năm qua, giá nhà tăng dựng đứng. Năm 2015 giá căn hộ cao cấp khoảng 45 triệu/m2, nhưng năm 2020 khoảng 70-90 triệu đồng/m2; căn hộ trung cấp giá khoảng 21-25 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên bình quân khoảng 36-43 triệu đồng/m2; căn hộ bình dân năm 2015 khoảng 16-20 triệu đồng/m2 thì nay đã biến mất khỏi thị trường.
10 năm qua, nhu cầu mua nhà của người trẻ dưới 35 tuổi ngày càng tăng. Giá nhà đất leo thang khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng xa vời, trong khi những dự án bất động sản mới, có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu lấy mức thu nhập 20 triệu/tháng làm mốc thì giá nhà vẫn cao gấp 4-5 lần thu nhập hàng năm của người dân. Như vậy, ngay cả người trẻ với mức lương khá cũng chỉ có thể mua nhà có giá khoảng 1 tỷ đồng. Bất cập lớn nhất hiện nay là TP.HCM không còn căn hộ giá rẻ phục vụ nhóm đối tượng này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận định ở phân khúc căn hộ bình dân, mức giá nhà hiện nay gấp 15-20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, trong khi các nước lân cận giá nhà chỉ gấp 5-7 lần thu nhập. Trong nhiều năm qua, cơ cấu giá thành nhà ở nói chung còn một số bất hợp lý làm cho chi phí đầu tư cao, dẫn đến giá thành nhà ở cao. Do đó, vấn đề cấp bách là làm thế nào để kéo giảm giá nhà, tạo ra nhiều dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhiều dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của đông đảo người dân.
Phương Uyên
>> Người mua đang thờ ơ với bất động sản?
>> Người dân đã hết cơ hội mua căn hộ giá bình dân?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet