Trước kia ở nông thôn, nhà cửa thường không có nhà tầng, kết cấu chủ yếu bằng các loại vật liệu nhẹ như tranh tre nứa lá, nhà xây gạch nếu có gác cũng thường làm bằng gỗ. Do đó, khi nằm ngủ trên bếp thì chẳng khác gì bị đun nấu ngay dưới lưng? Chưa kể trước đây bếp đều là bếp lò than, bếp củi rất dễ gây cháy. Đây là lý do ngôi nhà xưa thường phải tách bếp ra khỏi khu nhà chính, đồng thời cũng là một cách giảm ô nhiễm và phân khu không gian chức năng khá rạch ròi.

Ngày nay, nhà cửa đều làm bằng các loại vật liệu kiên cố, diện tích đất xây dựng cũng eo hẹp hơn rất nhiều nên bếp thường đặt ngay trong ngôi nhà chính, trang thiết bị cho không gian này cũng hiện đại, gọn nhẹ và không gây khói bụi nhiều như bếp truyền thống. Mặt khác, việc đúc sàn lầu bằng bêtông cũng giúp tách biệt hẳn hai không gian tầng trên và tầng dưới nên hoàn toàn không thể có chuyện nằm ngủ trên lầu mà tầng dưới là bếp thì sẽ bị hun khói hay bị… điên (?!) như lời đồn đại thuở trước.

phạm phong thủy
Theo quan niệm xưa, nằm ngủ trên bếp là phạm phong thủy. Ảnh minh họa

Về mặt phong thuỷ, trường hợp trên cần xét theo hai bước:

- Thứ nhất: kiểm tra xem bếp đã được đặt ở phương vị phù hợp chưa, bao gồm xét vị trí của bếp so với toàn ngôi nhà, so với không gian của căn phòng chứa bếp và so với bồn rửa chén, tủ lạnh. Tiếp theo là xem miệng bếp đó (Táo khẩu, hướng lưng của người nấu) có hướng vào cửa phòng vệ sinh hay bị đối diện với bồn rửa hay không? Bên dưới chỗ đặt bếp có hồ nước ngầm hay bể phốt hay không? Kiểm tra xem có đường nước thoát hoặc nước cấp chạy ngay dưới bếp không? Đây đều là những vấn đề liên quan đến thuỷ khắc hoả để tránh ảnh hưởng ô nhiễm trong quá trình sử dụng bếp.

- Thứ hai, giả sử bếp đã đặt đúng phương vị, không thể di chuyển được nữa, thì xét tiếp đến phòng ngủ trên lầu. Khi bếp được đặt đúng phương vị, tức là chỗ đặt bếp thuộc về vùng hung của nhà theo phái bát trạch, như vậy cũng có nghĩa đó là chỗ không đặt giường ngủ được, vì giường ngủ cần nằm trong vùng cát của nhà.

Từ phân tích trên, ta cần xem xét lại cơ cấu phân bố không gian trong toàn ngôi nhà, trong đó có bếp và phòng ngủ. Vì nhà ống thường có chiều ngang khá hẹp, diện tích hạn chế nên khu vực có bếp dưới tầng trệt, phía trên lầu đặt phòng ngủ là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, ta vẫn có thể linh hoạt bố trí phòng ngủ trên lầu sao cho vị trí của giường ngủ không bị trùng với vị trí bếp nấu đặt bên dưới là được. Chỗ mà bên dưới là bếp có thể đặt tủ hoặc là lối đi lại, còn lại vùng tốt ở các phía dành để đặt giường ngủ (dưới là bồn rửa bát).

Tuy nhiên các gia chủ cũng cần lưu ý rằng, tất cả những sắp đặt kể trên phải căn cứ theo mối quan hệ tổng thể, gồm cơ cấu bố trí cầu thang, mở cửa ra vào phòng và vị trí phòng vệ sinh (cả trên và dưới) thì mới có thể đưa ra sắp xếp hợp lý về phong thuỷ cũng như kiến trúc, tránh tình trạng 'giật gấu vá vai', chỉ xê dịch một cách cục bộ thì không thể đạt được kết quả trọn vẹn.

ThS.KTS Hà Anh Tuấn
(Theo Báo Lao động)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME