Myanmar khát văn phòng cho thuê
Du lịch đang bùng nổ ở thành phố Yangon khiến ngay cả Liên Hợp Quốc (UN) cũng phải rời khỏi nơi văn phòng đã thuê từ 2007 để tìm kiếm nơi làm việc mới.
UN thuê văn phòng trong khách sạn thương mại Robert Kuok từ 2007. Đây là một tòa nhà 5 tầng, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Tháng 8 năm ngoái, UN tái ký hợp đồng thuê cho năm cuối cùng. Một phần mười trong tổng số 2.000 nhân viên UN tại Myanmar vẫn còn trụ lại ở khách sạn.
"Giá thuê phòng khách sạn ở Yangon tăng chóng mặt trong khi nguồn cung hạn hẹp không đáp ứng nổi nhu cầu đang bùng nổ. Các khách sạn giờ đây có cơ hội kiếm lời tốt hơn quay về với mục đích chính của mình, đó là đáp ứng nhu cầu du lịch và đầu tư ngày một tăng", Aye Win, phát ngôn viên của UN tại Yangon nói.
Tổng thống Myanmar Thein Sein cho phép tự do chính trị và nới lỏng kiểm soát kinh tế kể từ khi lên nắm quyền 2 năm trước. Cũng từ lúc đó, các quốc gia trong đó có Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, kéo theo sự viếng thăm ồ ạt của du khách và các thương gia từ khắp nơi trên thế giới. Mọi khách sạn, văn phòng ở Yangon bắt đầu lấp đầy khách, thay vì tỷ lệ trống phòng lên tới 70% vào 2 năm trước.
Tòa nhà màu trắng bên trái chiếc cầu là khách sạn Traders, nơi mà Liên Hợp Quốc cùng một số tổ chức thành viên sẽ phải rời đi vào tháng tới. |
UN có mặt ở Myanmar, một trong những nước nghèo nhất châu Á, kể từ khi nước này dành độc lập 65 năm trước, nhưng giờ cũng không thể kham nổi giá thuê đắt đỏ. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), một cơ quan của UN, cũng phải rời khỏi khách sạn Robert Kuok đang thuê.
Giá thuê một đêm trong khách sạn 305 phòng này rẻ nhất là 235 USD, gần như đắt gấp đôi địa điểm tương tự ở Hong Kong (chỉ tầm 122 USD) và cao hơn cả Singapore (197 USD).
"Cứ với đà tăng ồ ạt của du khách thế này, Yangon sẽ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng phòng khách sạn cho thuê trong vòng 5 năm tới, nhất là trong bối cảnh xây dựng, bất động sản còn thiếu thốn, tiềm năng kinh tế nghèo nàn và rủi ro luật pháp, chính trị", Andrew Langdon, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực Thái Lan và Đông Dương của Tập đoàn Jones Lang LaSalle nói.
Cầu tăng mạnh đồng nghĩa với giá đắt gấp 4 lần so với năm 2007. Langdon tính toán mức thuê trung bình của 208 khách sạn với tổng cộng 9.110 phòng đăng ký hoạt động tại Yangon đã tăng 15% lên 160 USD trong năm nay.
Tình trạng thiếu phòng khách sạn đang là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản quốc tế. Trong vòng 6 tháng tới, Marriott, tập đoàn khách sạn đang niêm yết trên sàn lớn nhất Mỹ, dự kiến ký thỏa thuận đầu tiên về bất động sản với Myanmar. Best Western sẽ khai trương khu bất động sản đầu tiên của mình tại đây ngay năm nay.
Hiện chỉ 8 khách sạn ở Yangon đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tháng trước, Myanmar là nước chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á trong 3 ngày, với sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia và doanh nhân hàng đầu thế giới.
Lượt du khách tới Myanmar đã tăng 30% lên 1,06 triệu trong năm ngoái. Đất nước này đang lên kế hoạch cho 38 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư nửa tỷ đôla Mỹ. Du khách quốc tế dự kiến tăng 7 lần lên 7,5 triệu lượt người vào 2020 và số tiền chi tiêu của họ có thể lên tới 10,1 tỷ USD.
Một số công ty, chẳng hạn Unilever - nhãn hàng tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, đã phải thuê nhà riêng làm văn phòng. Giá thuê biệt thự kiểu đó ước khoảng 2 USD mỗi foot vuông và có thể còn tăng lên nữa khi có thêm nhiều tập đoàn quốc tế. Giá thuê theo tháng một căn nhà 2-4 phòng ngủ dao động 4.500-6.500 USD và sẽ tăng thêm 44-46% trong nửa cuối năm nay, theo dự báo của giám đốc điều hành hãng Scipio.
Ngay cả những tòa nhà văn phòng, thương mại ở ngoại ô cũng đã gần như kín phòng từ hai năm qua. Giờ đây giá thuê theo tháng tăng lên 8,4 USD mỗi foot vuông, thay vì mức 4,6 USD giữa năm 2011.
Trường hợp của UN, chi phí thuê dao động 1,5-5 USD mỗi foot vuông tùy mục đích sử dụng. Trong lần tái ký năm ngoái, giá trung bình đã tăng 20%.
"Thị trường bất động sản Yangon đang lên cơn sốt và các cơ quan của UN đối mặt với chi phí thuê văn phòng ngày càng tăng cao", Aye Win nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet