Mỹ: Giá nhà ở giảm mạnh trong một năm qua
Ngày 30/9, công ty chuyên theo dõi về chỉ số giá cả nhà đất Standard & Poor's/Case-Shiller công bố kết quả điều tra cho biết giá nhà tại thị trường Mỹ trong tháng 7/08 đã giảm tới 16,3% so với cùng kỳ năm 2007.
Đây là bằng chứng mới nhất về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 17 năm qua trong lĩnh vực địa ốc, đồng thời cũng là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng nghiêm trọng nhất đang hoành hành tại Mỹ kể từ cuộc "Đại Suy thoái" đầu thập kỷ 1930.
Giá nhà tại 10 thành phố lớn nhất của Mỹ trong tháng 7/08 giảm 1,1% so với tháng 6/08 và giảm mạnh ở mức kỷ lục 17,5% so với cùng kỳ năm 2007. Giá nhà ở của Mỹ trong giai đoạn từ tháng 5/08 đến tháng 7/08 đã giảm tổng cộng 2,2%.
Ba thành phố của Mỹ có giá nhà ở giảm mạnh nhất là Las Vegas, bang Neveda, tới 29,9% so với cách đây một năm; Phoenix, bang Arizona, giảm 29,3% và Miami, bang Florida, giảm 28,2%. Chủ tịch công ty S&P/Case-Shiller, David Blitzer, cho biết giá nhà ở giảm tại hầu hết thành phố lớn của Mỹ là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nhà đất ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này cho tới nay "vẫn chưa tới đáy".
Tổ chức nghiên cứu thị trường Conference Board cho biết chỉ số lòng tin tiêu dùng của người dân Mỹ đã tăng lên 59,8 điểm trong tháng 9/08, so với mức 58,5 điểm trong tháng 8/08. Con số này cao hơn dự đoán của Phố Uôn song kết quả này không phản ánh đầy đủ diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Trong khi đó, chỉ số kinh doanh của Viện Quản lý Nguồn cung ở Chicago (Mỹ) trong tháng 9/08 đã giảm xuống 56,7 điểm, so với mức 57,9 điểm trong tháng 8/08, song vẫn cao hơn mức dự đoán 53 điểm trước đó của giới kinh tế. Chỉ số này trên 50 điểm có nghĩa là hoạt động tăng trưởng.
Trước tình hình trên, ông Thomas Hoenig, Chủ tịch chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại thành phố Kansas, nhận định FED cần phải tập trung vào nhiệm vụ dài hạn nhằm hạ thấp tỷ lệ lạm phát để bảo vệ đồng USD cho dù cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đang tạo ra một cảm tưởng là "bầu trời đang sụp đổ".
Ông Hoenig cho rằng việc Hạ viện Mỹ không thông qua kế hoạch cứu trợ trị giá 700 tỷ USD không có nghĩa những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính sẽ bị xóa bỏ. Theo ông, kinh tế Mỹ với khả năng hồi phục mạnh mẽ sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay và xuất khẩu vẫn là một nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ cho dù hoạt động của lĩnh vực này có sụt giảm phần nào do kinh tế thế giới giảm sút.
Theo Báo Xây dựng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet