Nấu ăn trong một khung cảnh nhà bếp đẹp đẽ, gọn gàng sạch sẽ luôn mang đến sự hứng khởi cho các bà nội trợ. Và bàn bếp là một trong những thứ khó có thể thiếu được trong "vương quốc nấu nướng" của mỗi nhà xét cả về công năng cũng như yêu cầu thẩm mỹ. Trong thời buổi thị trường nội thất ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại như hiện nay, người tiêu dùng có đến cả ngàn vạn lựa chọn những kiểu bàn bếp phù hợp với túi tiền và sở thích cá nhân của mình. Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên chọn loại bàn bếp nào, hãy thử tham khảo nhé.

Sức hút từ gạch và đá

Ốp gạch là một trong những sự lựa chọn phổ biến nhất dành cho mặt bàn bếp ở các ngôi nhà Việt. Sức hút của việc ốp gạch gần như đơn giản đến từ... giá thành rẻ (trừ những gia chủ thích sử dụng loại gạch cao cấp). Gạch men và gạch ceramic rất đa dạng về mẫu mã hoa văn, lại dễ chiều theo khả năng tài chính của người tiêu dùng. Bàn bếp được ốp gạch có ưu điểm là dễ lau dọn và chịu nhiệt tốt. Nhược điểm của việc ốp gạch là hạn chế việc băm, chặt thực phẩm trên mặt bếp vì rất dễ gây vỡ gạch. Hơn nữa vì giữa các miếng gạch ốp có những khe nối nên cũng đòi hỏi phải lau chùi thường xuyên để giữ vệ sinh.


Mặt bàn bếp ốp gạch.

So với việc ốp gạch thì ốp đá cho bàn bếp có ưu điểm hơn hẳn về độ bền, nhưng giá thành lại cao hơn nhiều. Đá granit và đá nhân tạo có giá gần tương đương nhau, trong khi đó đá cẩm thạch rất đắt tiền và chỉ thích hợp cho những ngôi nhà sang trọng và cao cấp.

Đá granit có "cá tính" riêng ở chỗ vì khai thác từ thiên nhiên nên không có mặt đá nào giống nhau, mỗi khối lại có những hoa văn khác biệt. Đá nhân tạo lại có đặc điểm là làm chủ yếu từ bột thạch anh và các phụ gia. Hai loại đá này rất bền chắc và dễ bảo dưỡng. Về mặt thẩm mỹ thì rõ ràng đá cẩm thạch không những có vẻ đẹp riêng không trùng lặp mà còn có sự kiêu sa vượt trội so với 2 loại đá trên, ngoài ra nó còn có khả năng mạnh mẽ hơn hẳn về tính chịu nhiệt. Tuy nhiên cẩm thạch lại dễ bị trầy xước trên bề mặt.


Mặt đá granit trắng với họa tiết chỉ riêng mình nó có.


Đá nhân tạo mang đến nhiều sự lựa chọn về họa tiết, màu sắc.


Có một loại vật liệu gọi là đá nhân tạo nhưng thực chất lại là chất liệu solid surface với thành
phần chủ yếu là... nhựa tổng hợp.


Kết hợp giữa mặt đá nhân tạo cùng hệ thống ánh sáng tạo nên không gian ấn tượng.


Vì có giá thành rất đắt đỏ nên thường chỉ có thể thấy cẩm thạch xuất hiện tại những nhà bếp cao cấp.


Không gian bếp với đá cẩm thạch loại mỏng được gắn đèn mang lại sự lung linh, huyền ảo.

Bàn bếp gỗ: cổ điển và hiện đại

Với một số người, vẻ "cứng như đá" không thể hấp dẫn bằng một chiếc bàn bếp mặt gỗ. Sự thú vị của vật liệu này là vừa có thể mang đến vẻ mộc mạc, giản dị, cổ điển nhưng cũng thừa sức "hóa thân" thành kiểu dáng đầy hiện đại, tân tiến. Bàn mặt gỗ có ưu điểm giá thành tương đối rẻ hơn so với mặt đá, dễ gia công hơn (sơn, khắc, vẽ... trên bề mặt) nhưng yếu điểm cũng chẳng ít: dễ bị xước, khó chịu nhiệt độ cao và theo thời gian dù có lau chùi sạch sẽ nhưng mặt bàn vẫn có thể bị lưu lại những "tàn dư" của thực phẩm...


Bàn bếp giản dị, mộc mạc vẫn có sức hấp dẫn riêng.


Vì dễ gia công nên bàn bếp gỗ có thể có những hình dáng hay công năng độc đáo.


Mặt bàn có nắp đậy phần chứa rác bên dưới.


Những kiểu bàn bếp gỗ hiện đại.


Bàn bếp gỗ gia công bọc thêm lớp mica in họa tiết.

Inox và "vẻ đẹp công nghiệp"

Là một vật liệu sản xuất công nghiệp và có giá thành khá cao, bàn bếp chất liệu inox thường có mặt trong các bếp ăn công cộng, các nhà hàng hơn là ở các hộ gia đình. "Vẻ đẹp công nghiệp" của inox thường không được đánh giá cao lắm nhưng bù lại sức chịu nhiệt và khả năng dễ chùi rửa của nó là ưu điểm tuyệt vời với mặt bàn bếp. Inox không thích hợp cho những gia chủ muốn có nội thất bền chắc, vì việc nó bị xước hay méo sớm muộn cũng xảy ra khi gặp một lực tác động tương đối mạnh.


Nhà bếp với nội thất mang chất liệu inox.


Tuy dễ lau chùi nhưng chất liệu này cũng rất dễ bị xước, khó giữ được vẻ đẹp lâu dài.

Bàn bếp kính không "đụng hàng"

Những gia chủ sử dụng mặt bàn bếp bằng kính đặt yếu tố "nhìn" lên trước tất cả các yếu tố về công năng khác. Mặc cho việc chất liệu kính gần như không thể phù hợp với các tiêu chuẩn cần có của một chiếc bàn bếp nhưng bù lại, vẻ đẹp và sự độc đáo của nó vẫn khiến gia chủ phải "xao xuyến" đến nỗi phải có lựa chọn "không đụng hàng". Thực ra để khắc phục yếu điểm này rất đơn giản, hãy sử dụng 2 chiếc bàn bếp, một chiếc dành cho việc nấu ăn, chiếc mặt kính còn lại dùng cho việc trang trí.


Về độ độc đáo thì mặt bàn bếp bằng kính thừa sức đứng ở hàng đầu.


Mặt kính trong suốt giúp trưng bày tất cả những đồ sưu tầm bên dưới nó.

"Đa năng là số 1!"

Với không ít người, vật liệu của chiếc bàn bếp không đáng quan tâm bằng việc chiếc bàn ấy tiện dụng ra sao. Dù nó có bằng đá, gạch, gỗ, kính, inox hay thậm chí là nhựa... vẫn chấp nhận được miễn là thật đa năng để phù hợp với không gian nhà có diện tích hạn chế.


Bàn bếp kiêm cầu thang cho nhà chật.


Chiếc bàn đầy tiện ích với ngăn kéo hàng chục ngăn.


Bàn bếp kết hợp bàn ăn.


Bàn bếp có chức năng bếp hồng ngoại.


Thậm chí có chiếc bàn gắn kèm cả tivi để vừa chuẩn bị thực phẩm, vừa theo dõi phim.


Sản phẩm bàn bếp đặc biệt gắn cả bếp hồng ngoại, vòi nước và tivi. 

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME