Đặc biệt, đã có không ít nhân viên môi giới tự in tờ rơi, quảng cáo rao bán dự án khống để lừa dối khách hàng…

Mượn thương hiệu doanh nghiệp uy tín để bán hàng

Bộ phân kinh doanh của Him Lam cho biết, gần đây hay nhận được các cuộc điện thoại khách hàng yêu cầu tư vấn thông tin mua dự án đất nền trên các tờ rơi họ được nhân viên môi giới phát tại các ngã 4 trên địa bàn Tp.HCM. Những dự án này có tên gọi là “Him Lam Bình Chánh” hay “Him Lam Nam Sài Gòn”…

Từ thông tin khách hàng cung cấp, nhân viên và lãnh đạo công ty vô cùng sửng sốt bởi mình không phải chủ đầu tư các dự án khách hỏi, công ty cũng không có chủ trương tiếp thị dự án bằng cách rải tờ rơi trên đường phố.

Đặc biệt, trên tờ rơi khách hàng nhận được đều in logo, thương hiệu công ty cùng với thông tin giới thiệu về các dự án của mình khiến doanh nghiệp vô cùng bức xúc.

Bức xúc của doanh nghiệp lên đến đỉnh điểm khi có công ty ngang nhiên tổ chức “Lễ Khai trương mở bán Him Lam Bình Chánh” tại Trung tâm hội nghị 7 Kỳ Quan vào ngày 18/11/2018. Cùng ngày, một dự án khác là “Him Lam Nam Sài Gòn” cũng được mở bán, giới thiệu sản phẩm tại địa điểm trên.

Đại diện Công ty Him Lam là bà Lê Thị Bích Ngọc, cho rằng việc các đơn vị cố ý đặt tên, mở bán sản phẩm với tên gọi “Him Lam Bình Chánh”, “Him Lam Nam Sài Gòn” và tự ý sử dụng logo công ty, màu sắc thương hiệu công ty vào tờ rơi bán hàng… là hành vi “mạo danh”, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu độc quyền của Công ty Him Lam.

quảng cáo bất động sản giả mạo
Tờ rơi quảng cáo bất động sản giả mạo Công ty Him Lam

Bà Ngọc cũng cho biết, công ty sẽ làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và khẳng định hiện Công ty Him Lam không hề triển khai, mở bán bất cứ dự án nào có tên gọi như trên tại khu vực huyện Bình Chánh. Tại đây, công ty chỉ có dự án Khu dân cư Him Lam 6A đã hoàn thiện và bàn giao cho người dân từ lâu.

Công ty Him Lam và các đối tác liên kết bán hàng cũng khẳng định không có chuyện phát tờ rơi để giới thiệu dự án và để bán sản phẩm nhà đất.

Ngoài Him Lam, còn có một số doanh nghiệp tên tuổi khác trong làng địa ốc cũng bị mạo nhận, lợi dụng tên tuổi bán hàng. Đơn cử việc giả mạo thương hiệu của Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (tập đoàn Hưng Thịnh Corp) diễn ra tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do công ty Hưng Thịnh Group làm chủ đầu tư.

Mặc dù không liên quan dự án trên nhưng Hưng Thịnh Corp cũng bị vạ lây. Trước sự việc này, Hưng Thịnh Corp phải ra thông báo trên website khẳng định không có liên quan gì với Công ty CP Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Group (có trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, Tp.HCM).

Thời điểm cuối tháng 9/2018, tập đoàn Đại Phúc cũng tá hỏa phát hiện một số đối tượng sử dụng hình ảnh dự án Khu đô thị Vạn Phúc của đơn vị này để rao bán, dẫn dụ người dân trao đổi mua bán. Để bảo vệ quyền lợi của mình, công ty đã gửi các văn bản thông báo đến nhiều cơ quan chức năng và người dân.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo số điện thoại in trên tờ rơi “Lễ mở bán KDC Him Lam An Phú Tây”, PV gọi cho một nhân viên tên Tường Vy để tìm hiểu dự án này thì được trả lời đây là dự án đất nền xây dựng tự do.

Khi PV hỏi “có phải Công ty Him Lam làm chủ đầu tư dự án không” thì nhân viên này trả lời, tập đoàn Him Lam là đơn vị “hợp tác” để xây dựng các tiện ích trong dự án như TTTM, trường học, công viên…?

Còn với thông tin trên tờ rơi quảng cáo dự án “Him Lam Nam Sài Gòn”, PV gọi điện thoại đến thì nhân viên tên Hải Đăng cho biết, dự án này là của “Tập đoàn Him Lam chỗ anh Minh làm chủ đầu tư" và khẳng định mình là nhân viên của Công ty Him Lam! Nhân viên này còn cho biết, ngày 24/11 tới, công ty sẽ tổ chức sự kiện giới thiệu dự án tại nhà hàng 7 Kỳ Quang gần Metro Bình Phú.

PV đem các thông tin trên hỏi bà Ngọc Phó Tổng giám đốc Himlamland thì được bà cho biết đều là tin bịa đặt lợi dụng uy tín của Him Lam để lừa dối khách hàng. Hiện công ty đã liên hệ cơ quan công an để làm rõ các nội dung trên.

Còn đại diện tập đoàn Đại Phúc cũng khẳng định, các đơn vị, cá nhân này tự xưng là nhà phân phối độc quyền của tập đoàn này, đưa ra mức giá bán từ 12-13 triệu/m2 gây nhiễu loạn thị trường, khiến dự án Khu đô thị Vạn Phúc do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư bị ảnh hưởng về thương hiệu, uy tín.

mượn danh doanh nghiệp bất động sản
Một bảng rao bán đất nền "mượn danh" doanh nghiệp bất động sản

Về thực trạng nêu trên, theo giám đốc một công ty chuyên phân phối dự án bất động sản trên địa bàn Tp.HCM, trên thị trường vẫn thường xuyên diễn ra việc lừa đảo mạo danh các dự án của doanh nghiệp có tên tuổi, thương hiệu, chỉ là doanh nghiệp có phát hiện ra không hoặc có khi phát hiện thì mọi chuyện đã lỡ.

Vị giám đốc này cho rằng, các đối tượng chủ yếu mượn danh doanh nghiệp uy tín, có các sản phẩm đã hình thành và được nhiều người biết đến. Họ thường tự ý lấy các hình ảnh của doanh nghiệp để quảng bá, thậm chí giảm giá thành thật rẻ để dụ dỗ những người ham rẻ, đổ xô vào mua. Sau khi tung thông tin, nhân viên môi giới sẽ đưa người dân đến các khu vực xa ngoại thành, khác hẳn với những gì quảng cáo, sau đó nhận tiền cọc rồi bỏ trốn.

“Khách hàng khi biết bị lừa sẽ tìm đến các chủ đầu tư chính thống của dự án để đòi tiền, nhưng cả đôi bên lúc này mới vỡ lở mình đều là nạn nhân. Chính vì vậy, khi muốn mua hàng, người dân nên cẩn trọng hơn với các nhân viên môi giới. Nên đến thẳng địa điểm dự án, ở đó sẽ có bộ phận tư vấn, giao dịch để tránh rủi ro. Về phía doanh nghiệp, nên thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng cho biết đơn vị này, công ty nào đang phân phối dự án cho chính mình có riêng bộ phận quản lý để tránh ảnh hưởng đến uy tín”, vị giám đốc trên chia sẻ.

Về hành vi mạo danh thương hiệu, uy tín doanh nghiệp để môi giới bán hàng, luật sư Nguyễn Tấn Hải (đoàn Luật sư Tp.HCM) cho biết, với những đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự.

"Các doanh nghiệp có thể căn cứ vào Điều 592 Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Còn về trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015", luật sư Hải cho biết.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME