Ngắm nghía kỹ càng, chọn sản phẩm ưng ý, ướm vừa kích cỡ, kiểm tra giá tiền... Hương quyết định gọi điện hỏi thêm thông tin và đặt cọc tiền mua hàng. Một vài sản phẩm được chở đến căn hộ mới của cô ngay lập tức. Quá trình mua bán diễn ra chỉ trong buổi sáng. Một số sản phẩm khác Hương yêu cầu do không có sẵn vì màu sắc và chất liệu đặc biệt, công ty hứa sẽ giao hàng trong thời gian muộn nhất là 2 tuần.

 

Mua hàng trên mạng nói riêng và đồ nội thất nói chung đang là một xu hướng mới và ngày càng được nhiều công ty áp dụng. Chị Phạm Thúy Hằng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tân Phong, chuyên cung cấp các sản phẩm nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc, cho biết, hiện công ty chị đang có rất nhiều kênh bán hàng như bán lẻ tại showroom, trực tiếp theo dạng tiếp thị tại nhà, công trình và từ xa (qua mạng và điện thoại). Trong đó, bán hàng từ xa chiếm hơn 50% doanh số hằng tháng của Công ty.  

Quá trình mua hàng sẽ diễn ra khá nhanh gọn. Khách hàng sau khi chọn sản phẩm trên mạng sẽ gửi đăng ký theo mẫu, hoặc gọi điện thoại. Sau đó, họ sẽ phải đặt cọc khoảng 30% chi phí mua hàng. Khi đồ nội thất được chở đến nhà, khách hàng sẽ thanh toán nốt phần còn lại. Ngoài ra, có thể thanh toán thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản công ty.

Chị Nguyễn Thị Loan, phụ tránh kinh doanh chuỗi siêu thị nội thất Nhà Đẹp cũng cho biết, từ lâu nay, công ty chị cũng thực hiện việc bán hàng từ xa. Khách hàng sẽ tham khảo mẫu mã qua website của Công ty hoặc các cataloge và tờ rơi giới thiệu về sản phẩm. Những người có nhu cầu sẽ gọi điện đến và Công ty giao hàng. Có người lên showroom chán chê không chọn được gì, đến khi về nhà mới gọi điện đặt hàng. Hoặc có người mua rồi bạn bè đến chơi nhà thấy thích, sẽ đặt một bộ tương tự, không cần đến trực tiếp showroom.

 

Công ty CP Kiến trúc A Cộng, trong quá trình hình thành website của mình, đã thiết kế một chuyên mục "gian hàng online". Theo Giám đốc Bùi Việt Hoài, trong tương lai gần, Công ty sẽ tập trung triển khai hình thức bán hàng dạng từ xa này. Có lợi thế đội ngũ thiết kế và xưởng sản xuất, lại không phải thuê mặt bằng đắt đỏ, Công ty sẽ tự triển khai thực hiện sẵn các sản phẩm nội thất và "show" trên website Công ty. Khách hàng yêu cầu sản phẩm nào, có thể mua hàng theo mã số. Việc vận chuyển đồ sẽ hoàn toàn miễn phí.

Sở dĩ ngày càng nhiều các công ty triển khai việc bán hàng dạng này vì đây là xu hướng mua bán chung của xã hội, vừa nhanh, tiện mà vẫn đảm bảo hiệu quả. "Cách làm này có lợi thế nhất là giảm thiểu chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, thuê mặt bằng. Sẽ có nhiều sản phẩm được bày bán trên 'chợ ảo', dễ gây hứng thú cho khách hàng. Hiện, chi phí cho bán hàng từ xa tại Tân Phong hiện chỉ bằng một nửa bán hàng trực tiếp", chị Hằng cho biết.

Tuy nhiên, việc triển khai bán hàng nội thất từ xa không đơn giản. Nhất là đối với những sản phẩm mang tính "chiêm ngưỡng" này, tâm lý người Việt Nam hiện vẫn ưa thích việc đến các siêu thị, cửa hàng để xem xét sản phẩm trực tiếp, theo kiểu "sờ tận tay, day tận mặt". Đó cũng là cách để họ thư giãn.

"Người nào tư tưởng thoáng, ít thời gian, mới tìm mua hàng nội thất theo cách này. Họ cũng phải là người không khắt khe trong việc lựa chọn, nhất là về màu sắc, kiểu dáng, mà chỉ để ý đến tính năng và thiết kế chung, thì mới là những khách hàng tiềm năng", anh Hoài cho biết.

Một hạn chế khác, theo chị Hằng, đó là nguồn nhân lực trong xã hội chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu hiểu biết về công nghệ để vận hành và xử lý hệ thống bán hàng từ xa. Ngoài ra, mạng lưới cung cấp dịch vụ viễn thông tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.

Anh Đỗ Văn Chương, Giám đốc Marketing của nội thất nhập khẩu Eleganz, cũng cho biết sở dĩ Công ty anh không có ý định triển khai cách bán hàng này vì sản phẩm của Công ty khá đắt. Nếu khách hàng không nhìn trực tiếp, họ khó có thể quyết định vung tiền để "rinh" về nhà.

Theo Đô Thị

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME